Như cánh én dệt mùa Xuân
Đăng ngày: 7/2/12Có một nguồn vốn như cánh én dệt mùa Xuân bay đến với bao miền quê quanh năm nghèo đói.

Những tiện ích và quyền lợi mà Tổ TK&VV mang lại cho các hộ dân nghèo, gia đình chính sách là điều không còn phải bàn cãi, đây là mô hình giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Chính phủ và sử dụng có hiệu quả vốn vay, đặc biệt là khi Tổ TK&VV được giao nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm. Chị Lê Thị Long, trú tại thôn Diên Hy 2, xã Định Long, huyện Yên Định trước đây là một trong những gia đình thuộc diện khó khăn nhất xã. Chồng mất sớm, một mình chị thường xuyên đau ốm lại phải nuôi con nhỏ, ruộng ít, đến chỗ ở của mẹ con chị cũng tạm bợ. Năm 2008, với 15 triệu đồng được NHCSXH huyện Yên Định cho vay chị đã đầu tư vào chăn nuôi và buôn bán. Đến nay, mẹ con chị đã yên tâm ổn định cuộc sống. Dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều hạn chế, vẫn phải nỗ lực hơn nữa, nhưng là một hội viên nông dân, là thành viên Tổ TK&VV, là mô hình được hình thành từ một nhóm người nghèo, thuộc quyền quản lý của các hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác từ NHCSXH, chị Long biết rõ, ngoài chuyện vay vốn ngân hàng để sản xuất chăn nuôi, việc cố gắng để có đồng ít đồng nhiều gửi tiết kiệm mỗi tháng không chỉ là “một cách để góp phần giúp cho người nghèo như mình được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà cũng là một cách tiết kiệm để dành sau một thời gian có thể có một khoản nho nhỏ để tiếp tục đầu tư vào làm kinh tế”. Chị Long cũng cho biết thêm “nhờ có Đảng, Nhà nước mà gia đình tôi bước sang một trang mới. Đến nay, gia đình tôi vẫn còn nhiều khó khăn, mỗi tháng những gia đình nghèo như tôi để dành được vài chục nghìn cũng phải cố gắng mới có được, nhưng nếu không gửi tiết kiệm, thì có thể dễ dàng tiêu mất. Mà, ngoài NHCSXH, thông qua Tổ TK&VV, có nơi nào nhận những khoản tiền nhỏ đó để giữ cho chúng tôi”. Đến lúc này, sau hơn một năm tham gia gửi tiết kiệm, gia đình chị Long đã gửi được gần 1 triệu đồng. “Tôi cũng đang cố gắng, cùng với bà con, dành những khoản nhiều hơn chút nữa để gửi tiết kiệm”.
Là Tổ trưởng Tổ TK&VV, anh Lưu Quý Phu, ở thôn Diên Hy 2, xã Định Hưng, huyện Yên Định lại càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của những đồng tiền tiết kiệm. Mỗi tháng vài chục nghìn đồng, qua vài năm, khoản tiền tiết kiệm có thể đủ để trả một phần vốn gốc đã vay ở ngân hàng. Vì thế, anh Phu tích cực vận động bà con thành viên trong Tổ TK&VV của mình mỗi tháng dành vài chục nghìn để gửi tiết kiệm. Nhà ít 5 nghìn đồng, 10 nghìn đồng, nhà nhiều 50 - 70 nghìn đồng, cả tổ anh có 50 thành viên, đến nay đã gửi tiết kiệm được trên 12 triệu đồng. “Là Tổ trưởng Tổ TK&VV, vì lợi ích của các hội viên, mình cố gắng vận động bà con để dành được đồng nào gửi đồng ấy. Tổ mình số tiền gửi tiết kiệm chưa cao, nhưng cái chính là đã tác động được tới ý thức của bà con”, anh Phu cho biết.
Ông Thạch Văn Chụp, ở thôn Hòa, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, trước đây, thu nhập từ nghề làm mắm truyền thống của gia đình ông chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt hàng ngày, năm 2008 ông tham gia Tổ TK&VV và được vay vốn chương trình GQVL với số tiền 160 triệu đồng từ NHCSXH huyện Quảng Xương. Từ khi Tổ TK&VV triển khai việc huy động tiền gửi tiết kiệm, ông đã tham gia gửi hàng tháng, đến cuối năm 2010 số tiền tiết kiệm đã lên tới cả triệu đồng, và theo tính toán của ông, tiền gửi tiết kiệm cũng góp phần giúp gia đình ông đầu tư thêm vào mua công cụ sản xuất.
Gia đình ông Phạm Văn Hoằng, ở thôn Văn Hanh, xã Hạnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc được vay 70 triệu đồng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi từ chương trình GQVL. Giữa năm 2010, sau khi được phổ biến, tuyên truyền về phương thức huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV của NHCSXH, ông đã tự nguyện gửi 40 nghìn đồng/tháng. Ông Hoằng cho biết: “Tôi thấy gia đình mình đã được vay vốn ưu đãi thì cũng nên gửi tiết kiệm để ngân hàng có thêm nguồn vốn cho vay trở lại với những hộ khác. Bên cạnh đó, việc để dành vài chục nghìn đồng mỗi tháng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch chi tiêu song “tích tiểu thành đại”, đến kỳ trả nợ gốc thì đã có sẵn một khoản tiền đáng kể”. Cũng như ông Hoằng, nhiều gia đình tại xã Hạnh Phúc cũng tự nguyện gửi tiền tiết kiệm. Hiện toàn xã có 21 Tổ TK&VV với hơn 770 hộ đang dư nợ tại NHCSXH huyện Vĩnh Lộc, trong đó có gần 500 hộ gửi tiết kiệm với số dư tiền gửi hơn 50 triệu đồng. Với mục tiêu đạt số dư tiền gửi cao, các đơn vị nhận uỷ thác gồm Hội ND, Hội PN, Hội CCB và Đoàn TN trong xã đã phối hợp với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân gửi tiết kiệm, khi bà con có kiến nghị, thắc mắc được giải thích cặn kẽ.
Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng với nhiều vùng, miền khác nhau, diễn biến thời tiết hàng năm phức tạp với hầu hết các hình thái thời tiết như hạn hán, lũ lụt, lốc, rét đậm rét hại, dịch bệnh… ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả đầu tư vốn của NHCSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thêm vào đó, trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt ở các huyện nghèo, các huyện vùng bãi ngang như Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Thường Xuân, Như Xuân, Hậu Lộc, Tĩnh Gia… nên việc triển khai tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về việc tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ TK&VV. Hơn nữa, dân số Thanh Hóa đông, đời sống kinh tế nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chưa có kinh nghiệm làm ăn, chăn nuôi và sản xuất. Ở một số nơi, người dân còn phải chờ trợ cấp của Nhà nước trong những ngày giáp hạt, nên nhiều hộ dân khá ái ngại khi nói chuyện gửi tiết kiệm. Thế nhưng, được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sâu sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, sự phối kết hợp của các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ TK&VV, công tác huy động tiền gửi tiết kiệm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Thực hiện chủ trương của NHCSXH về việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV với mục đích từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính ngân hàng, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Sau một năm triển khai huy động gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV, 100% Tổ TK&VV tham gia gửi tiền tiết kiệm. NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời tăng cường phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chỉ đạo triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các Tổ TK&VV. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Để triển khai, NHCSXH tỉnh đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo, nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Tổ chức việc tập huấn cho cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, Ban giảm nghèo cấp xã trên địa bàn. Bên cạnh việc tập huấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa còn trực tiếp làm mẫu, làm thử để mọi người có thể tự thao tác, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đối với các Tổ trưởng Tổ TK&VV. Những vướng mắc phát sinh trong ghi chép sổ, phiếu thu… ngân hàng cùng các tổ chức hội, đoàn thể giải đáp ngay cho các Tổ trưởng và các hội viên gửi tiền tiết kiệm. Ngân hàng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chỉ đạo tổ chức họp tổ, phổ biến nội dung, bàn bạc thống nhất về việc gửi tiết kiệm và mức tiền gửi để ghi vào Quy ước hoạt động của tổ. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các Tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ với nhau, nhưng tất cả đều phải được công khai cho người dân. Với những nỗ lực tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, xã, thôn chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đã có những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã huy động tiết kiệm từ cộng đồng người nghèo với tổng số tiền gần 46 tỷ đồng. Một số huyện có tỷ lệ huy động tiền gửi tiết kiệm lớn như: Yên Định trên 3,5 tỷ đồng, Quảng Xương gần 2,4 tỷ đồng, Đông Sơn 2,6 tỷ đồng, Tĩnh Gia 2,4 tỷ đồng… Bước đầu, số vốn NHCSXH tỉnh Thanh Hóa huy động được đã tạo nguồn cho vay hàng trăm hộ nghèo khác. Những đồng tiền tiết kiệm dù ít ỏi cũng đã làm được một việc lớn, đó là thay đổi suy nghĩ, nhận thức của hộ nghèo. Việc gửi tiết kiệm từ chỗ chỉ làm phong trào, giờ đã thành ý thức tự giác của mỗi gia đình nông dân.
Với những chương trình, việc làm của mình, NHCSXH đã trở thành bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách. Những chương trình, việc làm này mang một ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Ấm no đã thực sự về với mỗi ngôi nhà, miền quê. Những khu vườn, trang trại thêm những mùa quả ngọt, hàng triệu HSSV tự tin, phấn khởi bước vào giảng đường, hàng trăm nghìn lao động có việc làm… Không thể kể hết những hiệu quả mà nguồn vốn ưu đãi đã mang lại nhưng chúng tôi biết, có được ngày hôm nay, bà con vô cùng biết ơn NHCSXH, càng tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nguồn vốn ấy như cánh én không chỉ mang mùa Xuân mà còn đồng hành cùng bà con xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Khánh Phương