NHNNN nói gì về việc tạm xuất tái nhập vàng?
Đăng ngày: 15/3/13Theo Luật Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Trung ương cũng như Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh không có chức năng kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Người ta đang đặt nghi vấn về chuyện tạm xuất tái nhập vàng, ông cho biết có thực là các ngân hàng đã tạm xuất vàng phi SJC để nhập vàng nguyên liệu? Phải chăng họ chỉ tạm nhập trước, rồi sau này sẽ được hợp pháp hóa bằng các hợp đồng ủy thác nhập khẩu chính thức, để làm sao có nguồn vàng nguyên liệu về nước nhanh chóng lúc chênh lệch giá còn đang cao? Nếu xuất thật, thì lấy đâu ra họ có đến 9-10 tấn vàng SJC để xuất đi? Ngân hàng Nhà nước kiểm soát việc này thế nào?
Ông Lê Minh Hưng: Thời gian vừa qua, sau khi được Thủ tướng, Chiính phủ cho phép, NHNN đã tổ chức thực hiện phương án tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC đáp ứng nhu cầu chi trả vàng SJC cho người dân của các tổ chức tín dụng.
Về cơ bản phương án này là đổi vàng miếng phi SJC thành vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nên không làm phát sinh nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng và do vậy không tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ, không gây ra biến động về tỷ giá.
Toàn bộ lượng vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nhập khẩu về được sản xuất thành vàng miếng SJC để đáp ứng nhu cầu chi trả vàng cho người dân tại các tổ chức tín dụng.
Số lượng vàng tạm xuất, tái nhập này là vàng miếng phi SJC của người dân đang gửi tại các tổ chức tín dụng thời gian trước đây. NHNN đã thực hiện kiểm tra tồn quỹ thực tế số vàng này trước khi cho phép thực hiện.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng không được thu bất kỳ loại phí nào khi chi trả số vàng này cho người dân.
Thưa Phó thống đốc, ông có bao giờ tiên lượng khi hạ giá vàng thì dân sẽ đi mua đông hơn không? Bởi cho tới giờ sau khi đã có thông tin NHNN sẽ quản lý vàng và giảm giá vàng nhưng không hề có động thái mang vàng đi bán đông đảo như trạng thái cầm tiền đi mua vàng?
Ông Lê Minh Hưng: Thứ nhất là theo quy định hiện hành, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân, cũng như quyền mua bán vàng tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép.
Suốt thời gian qua, việc điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ cũng như của NHNN có mục tiêu là tăng lòng tin và củng cố giá trị của đồng Việt Nam. Định hướng chính sách này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới đây.
NHNN tin tưởng rằng với sự kiên định mục tiêu điều hành của Chính phủ cũng như của NHNN, cùng với những chính sách về quản lý thị trường vàng sẽ góp phần khuyến khích người dân tăng lòng tin vào đồng Việt Nam.
Đơn vị nào cấp phép cho các sàn vàng online mà tôi thấy các công ty này ngày càng phát triển nhiều thế?
Ông Lê Minh Hưng: Phải khẳng định hoạt động sản vàng online là hoạt động bất hợp pháp. Theo quy định tại Khoản 9 Điều 4 Nghị định 24, tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả kinh doanh vàng tài khoản, sản giao dịch vàng) sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép.
Do đó, tổ chức cá nhân thành lập và kinh doanh trên sàn vàng online là trái với quy định của pháp luật. Nghị định 24 cũng quy định rõ các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng.
Đề nghị NHNN tiến hành ngay các giải pháp kéo giá vàng trong nước xuống càng sớm càng tốt, cứ để tình trạng chênh lệch giá 4 – 5 triệu như thế này gây mất lòng tin quá. Phải chăng có lợi ích nhóm với các NHTM kinh doanh vàng nên cứ để tình trạng này cho những ai đã mua Vàng cao trước đây để đầu cơ này để cho họ có thời gian xả hàng ra thu lợi nhuận về. Xin Phó thống đốc cho một lời giải thích?
Ông Lê Minh Hưng: Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các bước đi cần thiết để tham gia bình ổn thị trường theo đúng tinh thần theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Thời gian qua các ngân hàng đã phải thực hiện chủ trương tất toán trạng thái vàng, nên phải mua vàng vào. Đây là một trong những lý do chính làm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao.
Chính kết quả kinh doanh vàng thua lỗ của các ngân hàng thời gian qua đã cho thấy điều đó. Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thực hiện các chính sách cần thiết để yêu cầu ngân hàng thương mại chấm dứt các hoạt động nhiều rủi ro như huy động, cho vay bằng vàng và các hoạt động kinh doanh vàng rủi ro khác.
Để đảm bảo an toàn khi mua bán, xin hỏi tại Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh có thực hiện mua bán vàng miếng không?
Ông Lê Minh Hưng: Theo Luật Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Trung ương cũng như Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh không có chức năng kinh doanh mua, bán vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nói chung và các quy định tại Nghị định 24 nói riêng, trong đó Nghị định 24 giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Do đó, với vai trò là người kiến tạo thị trường, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lại mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Việc Ngân hàng Nhà nước thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng để ổn định thị trường vô hình chung đang tạo quyền lợi cho các doanh nghiệp được cấp phép. Họ chào giá 10-30 triệu đồng mỗi tháng cho các cửa hàng nào muốn trở thành đại lý, điểm giao dịch của họ. Phó thống đốc có ý kiến gì về điều này và Ngân hàng Nhà nước sẽ chấn chỉnh thế nào?
Lê Minh Hưng: Theo như trình bày ở trên, Nghị định 24 đã nêu rõ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng không đuợc thực hiện kinh doanh mua bán qua các đại lý. Doanh nghiệp nào mở đại lý giao dịch là trái với các quy định của pháp luật.
Cũng từ ngày 10/1/2013, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không có giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng do NHNN cấp thì không được kinh doanh vàng miếng nữa. Vừa qua NHNN đã có văn bản chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thống đốc tuyên bố Ngân hàng Nhà nước sẽ là người kiến tạo thị trường, là người mua bán cuối cùng trên thị trường. Nhưng Ngân hàng Nhà nước định cung ứng vàng cho thị trường thông qua các phiên đấu thầu offline, và cũng không tổ chức thường xuyên. Làm sao các ông đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường và tránh những cú sốc về giá?
Ông Lê Minh Hưng: Với vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước trong điều kiện thị trường biến động sẽ thực hiện cơ chế can thiệp để bình ổn.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp với mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Chẳng hạn thực hiện cơ chế đấu thầu bán vàng miếng để bình ổn thị trường.
Khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức như vậy thì có thể nhiều đợt, nhiều phiên tùy theo diễn biến thị trường cũng như mục tiêu can thiệp trong từng thời kỳ.
Xin cho biết kết quả của phiên đấu thầu thử nghiệm vàng tuần qua?
Ông Lê Minh Hưng: Ngân hàng Nhà nước mới chỉ thử nghiệm trong nội bộ các Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước chứ chưa tiến hành đấu thầu thực sự. Việc thử nghiệm này để đánh giá quy trình và cách thức vận hành cơ chế đấu thấu trước khi triển khai chính thức.
Theo VnexpressTừ Khóa: TH, Ngân Hàng, NH, Nguyên Liệu, Nhập Khẩu, Vàng Miếng, SJC,