NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đi đầu trong công tác xóa nợ xâm tiêu
Đăng ngày: 3/2/12Trong những năm qua, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã hoạt động hiệu quả, đóng góp to lớn vào công cuộc XĐGN của địa phương.
Năm 2011, chi nhánh đã sớm hoàn thành kế hoạch giao và là một trong số ít các đơn vị trên toàn quốc không có nợ xâm tiêu. Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này, vào dịp đầu xuân năm mới phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.
Phóng viên: Bắc Kạn là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, vậy ông có thể cho biết tình hình đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn hiện nay như thế nào so với trước đây?
Trả lời: Khi tái lập vào năm 1997, Bắc Kạn có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng dưới sự chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền; nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và sự nỗ lực của nhân dân, điều kiện sống của bà con đã ngày càng được cải thiện. Sản lượng lương thực từ 127 nghìn tấn năm 2005, hiện nay đã tăng hơn 150 nghìn tấn, đưa lương thực bình quân đầu người từ 424kg lên 506kg/người/năm. Trên địa bàn bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa với nhiều loại cây có giá trị kinh tế như cam, quýt, hồng không hạt, chè Shan tuyết… Tổng cộng đã có 2.356 hộ nghèo được hỗ trợ đất sản xuất, 12.480 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt.
Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư với việc xây dựng mới 130km tỉnh lộ, nâng cấp trên 400km đường tỉnh, huyện, trên 500km đường giao thông nông thôn. Với 488 công trình thủy lợi, 389km kênh mương được kiên cố hóa đã góp phần đưa hệ số sử dụng đất tăng từ 1,56 lần năm 2005 lên 1,95 lần vào năm 2010.
Việc triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án trong thời gian này là yếu tố quyết định tới kết quả giảm nghèo của tỉnh. Tính theo chuẩn cũ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ chỗ hơn 50% vào năm 2005 đã giảm xuống còn hơn 17% vào năm 2010. Hiện tại, tỉnh đã có 9/71 xã ra khỏi Chương trình 135 giai đoạn II. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 5.900 lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn tăng. An ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Phóng viên: Trong thành tích chung đó, ông đánh giá thế nào về vai trò hiệu quả của đồng vốn vay từ NHCSXH đối với công cuộc XĐGN tại địa phương?
Trả lời: XĐGN hiện nay không chỉ là chính sách xã hội cơ bản được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm mà còn là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn.
Bắc Kạn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư. Sự ra đời của NHCSXH là kênh dẫn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp nhân dân có vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao cải thiện đời sống gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Với đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH hàng năm giúp cho các hộ vay vốn, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa có vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, điều đó được thể hiện bằng tỷ lệ giảm hộ nghèo của tỉnh qua các năm 2005 là 50%, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17%, (tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân từ 6 - 7% năm) (chuẩn nghèo mới 32,1%). Có thể nói, sự ra đời của NHCSXH đóng vai trò tiên quyết trong công cuộc XĐGN.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua? Những đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ và hệ thống ngành?
Trả lời: Gần 10 năm qua là bước khởi đầu, đánh giá sự trưởng thành và phát triển của một mô hình chính sách tín dụng đặc thù, hoạt động của NHCSXH nói chung và của chi nhánh tỉnh Bắc Kạn nói riêng đạt được khá toàn diện, nó tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội trên địa bàn, đem lại lợi ích to lớn, thiết thực đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần đảm bảo ASXH.
Tại tỉnh Bắc Kạn, màng lưới NHCSXH trải rộng khắp tại 7 huyện, thị xã với 122/122 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay, thực hiện dân chủ công khai việc sử dụng vốn chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Kết quả đạt được thật đáng khích lệ khi năm 2003 tổng nguồn vốn chỉ hơn 82 tỷ đồng thì đến nay tổng nguồn vốn là hơn 1.115 tỷ đồng, tăng trên 1.033 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 44%. Dư nợ là hơn 1.110 tỷ đồng với hơn 63 nghìn hộ vay vốn, thông qua 1.617 Tổ TK&VV, với nguồn vốn chính sách hàng năm giải quyết cho hàng ngàn lao động có việc làm ổn định, hơn 8 nghìn HSSV có tiền trang trải chi phí học tập không còn tình trạng phải bỏ học vì không có tiền nộp học phí, hàng ngàn lao động không có việc làm được đi XKLĐ...
Đối với tỉnh Bắc Kạn việc thành lập và hoạt động của NHCSXH như “bà đỡ” đưa kênh tín dụng của Đảng và Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các hộ gia đình SXKDVKK, hộ đồng bào DTTSĐBKK từng bước tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi vươn lên XĐGN. Mặt khác, với hoạt động điểm giao dịch cố định tại xã, thông qua việc tổ chức uỷ thác cho 4 tổ chức hội, đoàn thể, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã thực sự là ngân hàng của dân và vì dân. Hoạt động của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn là một công cụ của Ban chỉ đạo XĐGN tỉnh trong việc điều hành vĩ mô để chỉ đạo công tác XĐGN cho hộ nghèo và hộ chính sách trên địa bàn tỉnh, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất để có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Đồng bào dân tộc ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn)
mở rộng chăn nuôi từ vốn vay ngân hàng
Phóng viên: Trong năm 2011, Bắc Kạn là một trong số ít những tỉnh trên toàn quốc không có nợ xâm tiêu. Vậy ông đánh giá thế nào về hoạt động của các Tổ TK&VV nhất là những vùng sâu, vùng xa dân trí thấp?
Trả lời: Tổ TK&VV đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của NHCSXH. Tổ TK&VV là một bộ phận cấu thành mô hình quản lý liên kết giữa ngân hàng và các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ TK&VV theo cộng đồng dân cư. NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã xác định được tầm quan trọng xuyên suốt nên kịp thời tham mưu, quản lý điều hành các mặt nghiệp vụ của Tổ TK&VV.
Ban đại diện HĐQT thường xuyên kiểm tra giám sát và chỉ đạo NHCSXH và các hội, đoàn thể thực hiện giải ngân cho vay đúng đối tượng thụ hưởng.
Các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ uỷ thác với ngân hàng. Tuyên truyền hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả. Tích cực hưởng ứng các đợt tập huấn nghiệp vụ nâng cao kỹ năng quản lý chuyển giao KHKT. Tích cực kiểm tra, giám sát đồng vốn phát huy hiệu quả, kịp thời giúp đỡ những thành viên gặp khó khăn. NHCSXH đã phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể tập huấn hàng năm cho cán bộ tổ chức hội, đoàn thể và Ban quản lý Tổ TK&VV.
Với những chỉ đạo trong hoạt động của Tổ TK&VV như vậy đến nay không có nợ xâm tiêu cho thấy chất lượng hoạt động của Ban quản lý Tổ TK&VV đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa dân trí thấp. Thông qua Tổ TK&VV các hộ đồng bào DTTS tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư vào sản xuất từng bước ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phóng viên: Trong những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn sẽ có giải pháp nào để giúp phát huy tối đa hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH?
Trả lời: Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, Ban XĐGN xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động NHCSXH. Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác với NHCSXH phối hợp chặt chẽ, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay đúng đối tượng thụ hưởng phát huy hiệu quả kinh tế góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Tuấn Sơn