NHCSXH - 10 năm một chặng đường
Đăng ngày: 1/11/12Sau ba, bốn năm đầu của thời kỳ đổi mới, tôi được Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, nay là NHNo&PTNT mời đi khảo sát thực tế thị trường tín dụng trên địa bàn miền núi vùng cao thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Tiếp đoàn chúng tôi, Giám đốc Ngân hàng thị xã (lúc đó chưa có sự hiện diện của bất kỳ Ngân hàng Thương mại nào trên địa bàn) bê ra một cặp giấy căng đầy, lưu hồ sơ vay vốn của khách hàng. Chợt thấy, tôi liền có lời ngợi ca "tốt quá". Giám đốc Ngân hàng thị xã mỉm cười, bình luận: Nặng thế này nhưng tổng giá trị không bằng một bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng ở thành phố hoặc các tỉnh miền xuôi đâu. Tôi giật mình nhưng rồi cũng ngẫm suy: Có lẽ cũng đúng thôi, vì đây là tiếng nói của người trong cuộc, trong ngành. Hơn nữa, Nghĩa Lộ là một địa bàn vùng núi cao, doanh nghiệp thì nhỏ và ít mà phổ biến là hộ nông dân nghèo. Mức vay bình quân chỉ từ 200 đến 300 nghìn đồng/hộ. Có hộ chỉ đủ khả năng vay 500 nghìn đồng để mua gà, lợn giống về nuôi bán kiếm tiền, dần dần thoát nghèo, ước mơ khởi nghiệp tiếp cận kinh tế hàng hóa, chứ đâu dám vay vốn lớn của ngân hàng, mở rộng SXKD ngay từ những ngày đầu như các doanh nghiệp lớn hoặc đồng bào ở các đô thị, miền xuôi.
Mức vay thấp nhất nhưng số lượng khách hàng có nhu cầu vay vốn lại đông. Trách nhiệm phục vụ của NHNo&PTNT vì thế cũng lớn, bởi đây là tính phổ biến không chỉ ở Nghĩa Lộ, Yên Bái mà là của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong cả nước. Do đó, lúc đầu chỉ là một Phòng tín dụng chuyên đề, sau đó được nâng lên thành Ngân hàng Phục vụ người nghèo thuộc NHNo&PTNT Việt Nam. Và, chỉ trong thời gian ngắn, đến cuối năm 2002, được tách ra hoạt động độc lập, với tên gọi Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Đây là một ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà là vì mục tiêu XĐGN, đảm bảo an sinh xã hội, vươn tới làm giàu cho bà con nghèo và các đối tượng chính sách trong cả nước. Vì vậy, sự xuất hiện của NHCSXH đều được các tầng lớp cộng đồng nhất trí, ủng hộ toàn diện từ cơ chế, con người đến nguồn vốn hoạt động. Thêm vào đó, sự vất vả trách nhiệm của đội ngũ cán bộ NHCSXH càng làm cho sự cảm thông chia sẻ của cộng đồng càng ở mức cao hơn.
Địa bàn hoạt động chủ yếu và phổ biến ở các tỉnh miền núi, hải đảo xa xôi, đi lại khó khăn. Nhiều năm, tháng phải ăn, ngủ qua đêm ở các thôn, bản, các huyện miền núi hỏi chuyện khách hàng, duyệt, thẩm định xong chương trình dự án, lên kế hoạch cụ thể với cấp ủy, chính quyền và Tổ TK&VV để người nghèo được nhận đủ vốn vay lãi suất thấp làm ăn suôn sẻ, vay trả sòng phẳng mới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Cứ như vậy, công việc cứ quay vòng hối hả diễn ra năm này sang năm khác ở 63 chi nhánh cấp tỉnh, hơn 600 Phòng giao dịch cấp huyện và gần 11 nghìn Điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường. Sau 10 năm hoạt động độc lập, quy mô và chất lượng đồng vốn do NHCSXH quản lý, vận hành phục vụ 18 chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ cộng đồng người nghèo và gia đình chính sách. Đã tăng nhanh chóng góp phần giảm nghèo, làm giàu đất nước. Kết quả thật là đáng vui so với thời điểm nhận bàn giao năm 2003 từ NHNo&PTNT Việt Nam: Tổng nguồn vốn tăng 15,58 lần, đưa dư nợ bình quân một khách hàng vay vốn tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) lên 15,5 triệu đồng (31/9/2012), với hơn 18,9 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp gần 2,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 2,8 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; làm mới 470 nghìn căn nhà ở cho các hộ nghèo và gia đình chính sách; xây dựng mới gần 4 triệu công trình NS&VSMTNT; 87 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long...
Rõ ràng, hiệu quả sự đóng góp của hệ thống NHCSXH trong sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội đất nước 10 năm qua là vô cùng to lớn. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 bắt đầu được nâng lên, theo đó, ngày 10/7/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 852/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 và ngày 15/9/2012, Bộ Tài chính ký tiếp Quyết định số 2367 về tăng thêm 2.500 tỷ đồng vốn hoạt động cho NHCSXH. Đây là niềm vui, động lực to lớn để hơn 8.900 cán bộ viên chức trong toàn hệ thống NHCSXH tiếp bước vào hành trình mới, triển khai nhanh các chương trình tín dụng an toàn và hiệu quả cao hơn, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng trong chặng đường đầu 10 năm khởi nghiệp.