Nhà mạng lo sập bẫy 4G
Đăng ngày: 13/5/11Sáng 12/5, Viettel trở thành hãng viễn thông đầu tiên thử nghiệm thành công mạng 4G. Tuy nhiên, khi 3G chưa mang lại hiệu quả kinh doanh thì việc triển khai 4G khiến giới chuyên gia lo ngại về một "cái bẫy" mới.
Viettel vừa cung cấp thử nghiệm 4G cho 240 khách hàng tại TP HCM và Hà Nội. Kết quả thử nghiệm sẽ giúp hãng đánh giá năng lực thực tế trước khi quyết định đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ chính thức.
Giám đốc Viettel Telecom - Hoàng Sơn cho biết Viettel mới triển khai thử nghiệm chứ chưa có kế hoạch cung cấp chính thức. Ông thừa nhận, trong lúc 3G vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, lượng thuê bao chưa đạt được kỳ vọng, việc triển khai mạng 4G sẽ rất tốn kém. "Tôi cho rằng sau năm 2015 bắt đầu cung cấp 4G là hợp lý", ông Sơn chia sẻ với VnExpress.net.
Một lãnh đạo khác của hãng nói thẳng: "Các doanh nghiệp thi nhau xin thử nghiệm, Viettel là mạng di động lớn nhất thì phải tiên phong về công nghệ. Tuy nhiên, việc đầu tư cung cấp chính thức là một chuyện khác".
![]() |
3G vẫn chưa mang lại hiệu quả về doanh thu và tốc độ phát triển thuê bao như kỳ vọng của nhà mạng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) cũng cho rằng 4G là cuộc đua tốn kém mà trên thế giới chỉ có khoảng 17 mạng triển khai. Khi cung cấp 4G các hãng viễn thông này cũng thực hiện lộ trình từng bước. "Tôi cho rằng nếu các hãng viễn thông không có sự đánh giá hiệu quả và lộ trình từng bước thì rất có thể, 4G sẽ là 'cái bẫy' nếu đầu tư quá đà", vị lãnh đạo này nói.
Khi triển khai 4G, các hãng viễn thông sẽ phải đầu tư hạ tầng giống như cung cấp dịch vụ 2G và 3G. Như vậy, tổng số tiền bỏ ra ít nhất cũng khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng. Nếu muốn mạng hoạt động hiệu quả và phát huy hết các tính năng thì tổng số tiền đầu tư có thể lên tới 7.000 tỷ đồng. Ông này cũng cho rằng, thời điểm thích hợp nhất để triển khai 4G là sau năm 2015.
Tại thời điểm cấp giấy phép 3G, VinaPhone, MobiFone, Viettel và liên danh Hanoi Telecom - EVN Telecom đã đặt cọc số tiền lên đến trên 8.000 tỷ đồng. Các hãng viễn thông này cũng cam kết sẽ tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nữa cho mạng lưới trong vài ba năm tới.
Giới chuyên gia cũng cho rằng hiện nay 2G vẫn là dịch vụ mang lại doanh thu và thuê bao cho nhà mạng. Ba đại gia di động VinaPhone, MobiFone và Viettel triển khai mạng 3G được gần 2 năm nhưng doanh thu đem lại không được các hãng công bố chính thức, mà chỉ thừa nhận việc chưa đạt được kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh. "Trong khi đó, cuộc đua 4G sẽ nghiệt ngã và tốn kém hơn rất nhiều", một chuyên gia nói.
Ông phân tích hiện nay ngay khái niệm 4G bản thân khách hàng và cả giới trong ngành cũng chưa thực sự hiểu. "Tôi cho rằng việc thử nghiệm 4G cần được thực hiện ít nhất là 3 năm. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp cần đánh giá tính hiệu quả trước khi cấp phép chính thức", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Tháng 9/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho các doanh nghiệp gồm Viettel, VNPT, CMC, FPT và VTC. Các doanh nghiệp được phép thử nghiệm dịch vụ để đánh giá công nghệ và nhu cầu sử dụng tại Việt Nam, trước khi Bộ cấp phép chính thức.
Hồng Anh