Nhà đầu tư hỏi, BIDV trả lời (phần 2)
Đăng ngày: 12/12/11BIDV cam kết rằng, ít nhất cổ tức không thấp hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm bình quân 12 tháng. Cố tức trả năm tới đây sẽ bằng tiền.
Ông Trần Bắc Hà: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn của BIDV trong năm 2012 dự kiến 15,5% trong điều kiện Việt Nam tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 11, tiếp tục kiềm chế lạm phát. BIDV cũng hy vọng từ giữa quý III/2012 kinh tế sẽ có dấu hiệu phục hồi. Khi kinh tế phục hồi đà tăng trưởng và lợi nhuận của BIDV sẽ gia tăng.
Chúng tôi cam kết rằng, cổ tức không thể bằng lợi nhuận trước thuế, nhưng ít nhất cổ tức không được thấp hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm bình quân 12 tháng – đảm bảo thực dương cho cổ tức.
Một trong những yếu kém của chúng tôi là các công ty hoạt động lĩnh vực mới, các cơ chế thiết chế của chúng ta còn nhiều ràng buộc nên hoạt động chưa hiệu quả. Tới đây chúng tôi sẽ tái cơ cấu lại hoạt động.
Đại diện BIDV: Chính sách cổ tức của BIDV sau cổ phần hóa dựa trên nguyên tắc:
Một, căn cứ vào tình hình thị trường và cổ tức của các NHTM tương đồng để xác định mức cổ tức.
Hai, BGĐ sẽ căn cứ lãi suất huy động tiết kiệm bình quân 12 tháng trên thị trường để làm cơ sở tham khảo và phấn đấu không thấp hơn mức lãi suất này.
Tất nhiên, chính sách cổ tức và mức cổ tức trong từng năm sẽ do Đại hội đồng cổ đông quyết định, phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cũng như sử dụng nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
BIDV dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế không thấp hơn 25%-30% trong những năm tiếp theo. Năm 2011 dự kiến lợi nhuận sau thuế 3.400 tỷ đồng (trước thuế 4.200 tỷ đồng), EPS dự kiến 1.550 đồng.
Cổ tức sẽ trả cho cổ đông năm tới đây là bằng tiền mặt hay cổ phiếu?
Ông Trần Bắc Hà: BIDV sẽ trả bằng tiền mặt.
Dư nợ của HAG tại BIDV là bao nhiêu?
Ông Trần Bắc Hà: Dư nợ của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HAG) tại BIDV hiện đang là 1.300 tỷ đồng trong đó dư nợ đối với bất động sản khoảng 500 tỷ đồng – số này HAG cam kết giảm xuống bằng 0 vào quý I/2012.
Dư nợ của Vinalines tại BIDV là bao nhiêu – không tính dư nợ của Vinashin chuyển qua cho Vinalines?
Đại diện của BIDV: Dư nợ của Vinalines chưa kể dư nợ của Vinashin sẽ chuyển cho Vinalines là 1.500 tỷ đồng (1.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ xăng dầu).
Dư nợ cho vay lĩnh vực xây lắp chiếm tỷ trọng 27% là khá cao, BIDV đánh giá khả năng thu hồi nợ của các doanh nghiệp này là như thế nào? Trong dư nợ nhóm 2, thì nợ đến từ các công ty xây lắp chiếm bao nhiêu %?
Đại diện BIDV: BIDV là ngân hàng đồng hành với các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước. Hiện nay, với việc cắt giảm đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp này do vốn đầu tư xã hội giảm.
Dư nợ nhóm 2 của nhóm xây lắp chiếm tỷ trọng khoảng 12% - tương đương với các nhóm khác.
BIDV cùng doanh nghiệp soát xét lại từng công trình để bố trí vốn tránh thiệt hại, cho vay những thời hạn, thời gian thích hợp để hoàn thành các công trình. BIDV chia sẻ bằng cách cơ cấu lại nợ, xét đến ngành nghề để miễn giảm phí cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thương hiệu của BIDV được định giá bao nhiêu trong giá trị doanh nghiệp của BIDV?
Bà Phan Thị Chinh: Theo quy định của nhà nước hiện hành lợi thế kinh doanh đã được tính vào trong giá trị doanh nghiệp bao gồm: giá trị thương hiệu và lợi thế về địa lý của các tài sản mà BIDV đang sở hữu.
Giá trị thương hiệu được tính vào là 870 tỷ đồng; lợi thế về địa lý của các tài sản mà BIDV đang sở hữu - đánh giá theo quy định của nhà nước, hiện hơn 420.000m² đất, trị giá do kiểm toán nhà nước đã xác định là 4.300 tỷ đồng.
Việc không thực hiện điều chỉnh lại sổ sách kế toán giá trị phần vốn nhà nước theo đánh giá lại, có lợi cho nhà đầu tư như thế nào?
Bà Phan Thị Chinh: Theo quy định hiện hành của nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bình quân 5 năm lớn hơn lợi suất bình quân trái phiếu chính phủ. BIDV thuộc đối tượng được định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu.
Nếu theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, doanh nghiệp được định giá giá trị của mình trên cơ sở khả năng sinh lợi trong tương lai. Các dòng cổ tức mà doanh nghiệp có được ở các năm sẽ được chiết khấu về hiện tại để xác định giá trị doanh nghiệp. BIDV đã thực hiện bởi tư vấn của Morgan Stanley, trên các giả định thận trọng.
Như vậy, giá trị sổ sách phần vốn nhà nước tại BIDV là hơn 22.000 tỷ đồng, giá trị đánh giá lại theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là hơn 40.000 tỷ đồng. Giá trị của BIDV theo phương pháp này là khoảng 1.8 (so với mệnh giá CP).
Nếu điều chỉnh theo giá trị đánh giá lại sẽ tạo ra áp lực. Việc không điều chỉnh là phù hợp với thông lệ quốc tế, và tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa.
Tất cả các tài sản của BIDV được BIDV và các tổ chức định giá theo phương pháp nào?
Bà Phan Thị Chinh: Nội dung định giá tài sản đã ghi rõ trong bản cáo bạch cho từng lô đất/loại đất. Đất đã trả 1 lần và đất thuê trả 1 lần là đánh giá theo giá thị trường – đất ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Đất trả tiền hàng năm thì đánh giá 2 phần: giá trị bỏ ra ban đầu được định giá; chi phí thuê hàng năm không được tính vào - ở đây chủ yếu là đất tỉnh.
Ông Trần Bắc Hà: Quan điểm của BIDV là đất ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là trả tiền một lần.
Lo lắng cho giá IPO của BIDV?
Ông Trần Bắc Hà: Mức giá 18.500 đồng/CP nằm trong khoảng giá của 4 phương pháp. Chúng tôi đã đưa ra mức giá trình Bộ Tài chính và Chính phủ. Giá cao thì nhà nước được lợi, giá thấp thì nhà đầu tư có lợi.
Chủ trương của Chính phủ là xem việc cổ phần hóa là một bước đi động lực đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó tái cấu trúc ngân hàng. Chính phủ xác định 573 doanh nghiệp còn lại đến năm 2015 phải kết thúc xong CPH. Tôi cho rằng, đây là động thái là bước đi rất quyết liệt mạnh mẽ của chính phủ trong quá trình tái cấu trúc.
Dự định khi nào BIDV niêm yết trên thị trường?
Ông Trần Bắc Hà: Quý II hoặc Quý III/2012, tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Các thủ tục pháp lý : Đại hội cổ đông, sở hữu… sẽ hoàn tất vào quý I/2012.
Hiện nay các ngân hàng lớn đã và đang mở rộng mạng lưới của mình ra nước ngoài, BIDV có kế hoạch, dự kiến mở rộng mạng lưới ra nước ngoài hay không? Nếu có thì BIDV mở rộng theo hình thức nào?
Ông Trần Bắc Hà: Tháng 6/1999, BIDV đã liên doanh với Ngân hàng Ngoại Thương Lào để thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, đến nay BIDV đã có mạng lưới 5 chi nhánh với tổng số cán bộ gần 350 nhân viên.
Đối với hoạt động ngân hàng tại Lào, theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam là kém hiệu quả. Nguyên nhân là do đầu tư trung và dài hạn thời gian hoàn vốn và sinh lợi phải kéo dài.
Ngân hàng liên doanh tại Lào của BIDV năm 2010 tỷ suất lợi nhuận trên vốn 19%. Tôi nghĩ như vậy cũng có hiệu quả. Nhưng hiệu quả về chính trị, quan hệ hợp tác 2 nước rộng lớn hơn rất nhiều. Chính điều này góp phần cụ thể hóa quan hệ kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao vốn là truyền thống hữu nghị tốt đẹp của 2 quốc gia.
Tại Campuchia, BIDV đã đầu tư hoạt động ngân hàng từ năm 2009, năm đầu tiên lãi 2,53 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận 2%, kết thúc năm nay dự kiến tỷ suất lợi nhuận đạt 8%.
Bên cạnh đó, BIDV đang xúc tiến mở hoạt động đầu tư tại Myanmar. Chúng tôi đánh giá thị trường này cực lớn về mặt tiềm năng trên tất cả các phương diện. Đó là một thị trường hoang sơ, ngủ yên gần 30 năm qua. Nay tốc độ mở cửa rất nhanh. Nếu ai chậm chân sẽ không còn chỗ.
Tại Cộng Hòa Séc BIDV chính thức đưa vào hoạt động công ty tài chính với lượng vốn 7 triệu USD, có sự đóng góp của kiều bào tại Séc.
Phương pháp định giá tài sản của BIDV đối với 3 ngân hàng hợp nhất SCB, FCB, TNB?
Ông Trần Bắc Hà: BIDV không có quyền định giá trong 3 ngân hàng này. BIDV chỉ là thành tố tham gia vào quá trình hợp nhất của 3 ngân hàng, không phải là người đóng vai trò chủ trì 3 ngân hàng này.
Câu hỏi ngoài lề: Về bất động sản và thâu tóm. Hợp nhất 3 ngân hàng
Ông Trần Bắc Hà: Chúng tôi không có ý định thâu tóm và không bao giờ thâu tóm. Vì thông thường khi thâu tóm người ta nhìn đến khoản nợ để thế chấp, khoản nợ có đảm bảo.
Đối với hợp nhất 3 ngân hàng - Đây là nhiệm vụ của Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước giao cho chúng tôi, chứ không phải chúng tôi tự nguyện tự giác tham gia vào quá trình cơ cấu. Khi làm nhiệm vụ thì chúng tôi phải làm đúng trọng tâm NHNN đã chỉ đạo.
Chúng tôi chỉ mới vào 3 ngân hàng 3 ngày, 22 cán bộ khảo sát của chúng tôi trong vòng 3 tuần nữa mới có đánh giá kết quả khảo sát cụ thể.
Trong khối tài sản đảm bảo nợ của 3 ngân hàng, có một số tài sản hợp lệ nhưng chưa hợp pháp – tính pháp lý chưa đầy đủ như cấp quyền sử dụng đất – chính quyền thành phố đang cấp quyền sử dụng đất.
BIDV kiến nghị với TP. Hồ Chí Minh trong quá trình xử lý tài sản nợ thế chấp đối với khoản vay bất động sản, để đảm bảo tính pháp lý và tính luân chuyển của tài sản thì cần thiết cấp quyền sử dụng đất để đăng ký giao dịch có đảm bảo, để trở thành tài sản thục thụ có thể chuyển nhượng được.
Q. Nguyễn
Theo TTVN
Từ Khóa: Nhà Đầu Tư, NĐT, BIDV, NHTM, Cổ Phần, Tình Hình, Thị Trường,
Các tin tức khác