Nguồn vốn nghĩa tình đến với người dân vùng lũ
Đăng ngày: 12/1/12Ở khu vực ĐBSCL nói chung và các huyện Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An nói riêng, hàng năm thường xuyên bị lũ lụt đe dọa, làm ảnh huởng đến đời sống sinh hoạt người dân.

Căn nhà mơ ước của người dân vùng lũ
Trở lại thăm những hộ dân trên cụm tuyến dân cư ở Mộc Hoá và Tân Thạnh sau mùa nuớc lũ năm 2011, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân đều rất vui vì không phải gian nan, vất vả lo toan mọi việc như những cơn lũ trước đây.
Chị Cao Thị Hằng, hiện ngụ tại cụm dân cư thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, khi nói về lũ lụt, chị trầm tư nhớ lại: "Cách đây gần 10 năm, năm nào ở quê tôi cũng đều bị lũ lụt. Mỗi lần như thế, gia đình tôi cũng như bà con vùng lũ vất vả sơ tán. Có những lần đang ngủ nửa đêm, nghe tiếng loa phát lên, kêu gọi mọi người nhanh chóng chuyển đến nơi an toàn vì dông bão sắp đến là tim tôi như muốn rơi ra ngoài". Giờ đây, chị Hằng đã có một căn nhà khang trang. "An cư" xong, chị Hằng mới "lập nghiệp" bằng việc học nghề uốn tóc và hiện chị đã mở một tiệm uốn tóc ngay tại nhà. Ngoài nghề uốn tóc, chị còn mở quán cà phê để tăng thu nhập. Hàng tháng, bình quân thu nhập của chị từ 9 - 10 triệu đồng. Chính vì vậy, chị đã sửa sang, trang trí nội thất căn nhà của mình có vẻ khang trang hơn các hộ dân xung quanh.
Còn chị Nguyễn Thị Ánh, ngụ cụm dân cư Bình Hiệp (huyện Mộc Hoá), là một nông dân nghèo, sống trong căn nhà lá nhỏ, thô sơ ở ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, nên thường gặp khó khăn vào muà lũ. Bởi vì thời điểm này, chị vừa lo làm thuê, vừa lo tranh thủ về nhà để kê nhà cửa, tài sản lên cao, tránh hư hỏng do bị ngập nước; đồng thời, lại lo sợ tính mạng của 3 đứa con còn nhỏ trong vòng vây của nước. Năm 2007, chị xây cất một căn nhà tuy không lớn nhưng đủ để cả gia đình sống ổn định ở cụm dân cư Bình Hiệp. Đây là căn nhà chị Ánh được chính quyền địa phương xét hỗ trợ nền nhà 18 triệu đồng, và 9 triệu đồng chi phí xây nhà là vốn vay từ NHCSXH. Trong niềm vui, chị Ánh tâm sự: "Nếu không có vốn vay, cả đời chị không dám mơ ước đến căn nhà như thế này. Bởi vì cả hai vợ chồng đều đi làm thuê, cuốc mướn chỉ với 150 ngàn đồng mỗi ngày, đủ để cơm, nước, lo cho các con đi học thì tiền đâu xây cất nhà cửa". Từ khi vào cụm tuyến dân cư, con của chị Ánh có điều kiện đi học lại dễ dàng hơn, vợ chồng chị cũng không còn phải tất bật lo toan khi mùa lũ về. Hiện gia đình chị có thời gian đi làm nên thu nhập hàng tháng có tăng lên. Nói về kế hoạch trả vốn vay, chị Ánh cho rằng năm sau là tới hạn trả lãi và vốn cho hết 5 năm tiếp theo, vì vậy anh chị sẽ dành dụm mỗi tháng trả ngân hàng từ 2 - 2,5 triệu đồng. Đây là số tiền nằm trong khả năng cuả gia đình chị.
Hiệu quả từ đồng vốn vay
Theo ông Đỗ Hữu Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Long An, trong điều kiện kinh tế của các huyện còn nhiều khó khăn sau 20 năm khai phá Đồng Tháp Mười, việc triển khai các cụm tuyến dân cư đã tạo ra được bước phát triển về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tỉnh có 165 cụm tuyến dân cư, với gần 32.790 lô nền phục vụ cho nhu cầu dân cư vùng lũ có nền nhà an toàn. Đặc biệt trong đó có vốn cho vay hỗ trợ ưu đãi của NHCSXH đã tạo điều kiện cho họ mua nền và xây nhà ở một cách ổn định, lâu dài, không bị thiệt hại về người, tài sản, có nơi sinh hoạt, học tập bình thường mà không bị ảnh hưởng do lũ lụt gây ra.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Trang - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Long An, cho biết: Ngay sau khi được NHCSXH Trung ương và UBND tỉnh Long An giao nhiệm vụ thực hiện cho vay mua nhà, nền nhà trả chậm trên cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai cho các Phòng giao dịch NHCSXH ở 9 huyện vùng lũ thực hiện. Kết quả đến nay đã có hơn 9.740 hộ vay nền với dư nợ hơn 95,2 tỷ đồng và hơn 8.635 hộ vay xây dựng nhà với dư nợ gần 87,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được, thì với tình hình giá tiêu dùng tăng cao như hiện nay thì nên nâng mức cho vay lên 30 - 35 triệu đồng/hộ. Với mức 20 triệu đồng/hộ theo quy định hiện hành thì người dân không đủ vốn xây nhà. Năm 2011 mực nước lũ dâng cao và dự báo năm sau nước sẽ tiếp tục bằng hoặc cao hơn năm nay, trong khi đó chủ trương hỗ trợ cho hộ nghèo ở cụm, tuyến dân cư vùng lũ lại kết thúc vào cuối năm 2011. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài chương trình thêm vài năm nữa để 30% hộ dân còn lại có cơ hội vào cụm, tuyến dân cư để xây nhà ở, ổn định cuộc sống.
Thanh Bình