Người Vân Kiều, Cơ Tu có đủ vốn sản xuất
Đăng ngày: 14/11/12Thực hiện phương châm không để hộ nghèo, xã nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu vốn sản xuất.

Ví như ở xã Thượng Nhật, qua điều tra khảo sát tháng 7/2008, còn đến hơn 200 hộ nghèo, chủ yếu là người Cơ Tu, Vân Kiều chiếm gần 40% tổng số hộ dân toàn xã và có 4/7 thôn kinh tế gặp khó khăn. Nguyên nhân chính kéo dài sự nghèo khó ở vùng quê miền núi bên dẫy Trường Sơn này là trình độ dân trí thấp, thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất. Trường hợp kể ra đây là gia đình chị Hồ Thị Liếng ở thôn A Tín do con đông, chồng đau yếu vì bị nhiễm chất độc da cam, hàng ngày chị phải bươn chải làm lụng đủ nghề lo toan cuộc sống cho cả nhà. Năm 2009, chị được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời được NHCSXH huyện giúp đỡ cho vay vốn ưu đãi đầu tư vào chăn nuôi. Đứng bên con bò mẹ sắp đẻ, chị Liếng xúc động nói: "Đã 3 năm nay, gia đình tôi có nhà ở vững chãi, lại nuôi cả bò sinh sản, trồng bắp lai nữa, nên cuộc sống đỡ lo lắng và có cơ hội thoát nghèo rồi".
Gần nhà chị Liếng là hộ ông Hồ Tru, dân tộc Cơ Tu tuy có nhiều đất đai nhưng vẫn nghèo túng bởi thiếu vốn mua cây, con giống, vật tư cho sản xuất nông nghiệp. Thời gian vừa rồi ông Tru cùng bà con dân tộc ở thôn quê được vay vốn chính sách đầy đủ, nên đã cải tạo đất vườn trồng rau màu, dưa leo và đào ao thả cá. Ông cho biết: "Được NHCSXH trợ giúp 20 triệu đồng lãi suất ưu đãi, vợ chồng tôi cố gắng làm lụng thật tốt để đồng vốn vay sinh lời, cuộc sống ổn định".
Hội ND xã Thượng Nhật đã ký hợp đồng nhận ủy thác với NHCSXH huyện Nam Đông cho 16 hộ Vân Kiều ở thôn La Vân vay 320 triệu đồng của chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để cải tạo vườn tạp, trồng hồ tiêu xuất khẩu. Năm 2000, đến hạn trả nợ, vườn hồ tiêu chưa đến thời kỳ khai thác, nên Hội ND đã chủ động đề xuất với NHCSXH cho bà con được đáo hạn nợ thêm 1 chu kỳ nữa. Vào dịp này vừa hết chu kỳ vay lần thứ 2 cũng là lúc thu hái rộ hồ tiêu đầu mùa. Với hơn 30 tấn sản phẩm đặc sản hồ tiêu xuất khẩu, các hộ đồng bào dân tộc nơi đây đã không thể không giàu có từ lao động cần mẫn và nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Theo ông Hồ Khỏa - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, do có đủ nguồn vốn phục vụ sản xuất nên bộ mặt vùng cao bên dẫy Trường Sơn như các xã Thượng Nhật, Thượng Lộ, Bình Quang, Nam Phú... đã khởi sắc. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và điện lưới quốc gia đạt 92%, hộ nghèo giảm đáng kể, từ 37% năm 2008 nay xuống còn 16%. Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Cơ Tu đã biết chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thu lợi nhuận cao, như năng suất lúa nước đạt tới 57 tạ/ha/vụ. Các mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi đàn gia súc, trồng rừng không ngừng phát triển. Nhiều hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đã vươn lên làm chủ cuộc sống, với nguồn thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và tỉnh.