Ngày xuân đến bản vùng cao giàu có
Đăng ngày: 12/1/12Vào những ngày này, theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Yên Minh (Hà Giang) chúng tôi có dịp lên thăm bản Lè thuộc xã Du Tiến.
Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, trước là bản nghèo, hiện bản Lè có tới 1/3 số hộ dân khá giả, được mệnh danh là "bản triệu phú". Trưởng bản Lù Quấn Que chìa bàn tay vâm chắc, bắt và lắc theo "phong cách" mến khách của vùng cao, khoe với chúng tôi: "Toàn bản Lè có 76 hộ dân thì tất thẩy ai cũng được vay vốn ưu đãi của Chính phủ để làm ruộng, chăn nuôi, chăm sóc rừng, lấy nước sạch về dùng và cho cả con cái xuống núi học đại học nữa đấy. Liên tục gần 10 mùa xuân qua, NHCSXH của huyện mang tiền về tận trụ sở UBND xã, cách bản Lè mình có 2 cây số thôi mà để cho người Mông, Dao vay nhanh chóng thuận tiện, tổng cộng đến nay 1 tỷ đồng rồi. Mình nói thật, không nói dối làm gì. Mình là người dân tộc sinh sống ở đây, lại là lãnh đạo, nếu nói dối, dân biết họ chửi cho cả nhà chứ. Nhờ ơn NHCSXH lắm, vì nó làm cho bản Lè mình gần hết hộ nghèo chỉ còn 5 hộ. Còn số hộ khá giả có 29 hộ, chiếm 1/3 tổng số hộ của bản. Phấn đấu cuối năm 2012, số hộ diện này sẽ chuyển sang hộ khá nếu mùa màng năm nay bản Lè tiếp tục thắng lợi".
Đúng thế thật, để được mệnh danh là "bản triệu phú", "vùng cao giàu có" như ngày hôm nay, lại là cả một chuỗi hành trình cố gắng của nhân dân bản Lè, nhất là có sự hỗ trợ đắc lực, rất hiệu quả của NHCSXH. Theo ông Lù Văn Minh - Bí thư Chi bộ bản thì "tài sản" duy nhất và lâu đời nhất của bản Lè mưu sinh cơ bản của 387 nhân khẩu bản Lè chỉ trông vào từng ấy diện tích đất. Nhưng phần lớn số diện tích trên đều trồng cấy chủ yếu bằng các loại giống cũng năng suất thấp. Việc lựa chọn giống theo kiểu truyền thống, cùng với đó là cảnh nghèo khó, thiếu vốn sản xuất nên phần lớn ngô lúa bị suy thoái, năng suất cứ giảm dần, nên dân đói là cái dĩ nhiên nhưng không phải ai cũng hiểu.
Để dân có thêm nguồn thu, thoát được nghèo khổ, chương trình vay vốn tín dụng chính sách cùng những biện pháp khuyến nông đã được đẩy mạnh ở bản Lè. Các hộ nghèo và đồng bào dân tộc được vay vốn ưu đãi thuận tiện, kịp thời càng nhiều, đợt tập huấn, chuyển giao KHKT được mở đến tận bản làng.
Hiện nay, người dân bản Lè đã sử dụng vốn vay NHCSXH đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các giống ngô, lúa mới đã gieo trồng đại trà. Từ năng suất hạn hẹp dạo nào nay nhờ có tiền vốn ưu đãi và kỹ thuật tiên tiến đã tăng lên đến 55 tấn/ha. Còn lúa cũng ở mức 30 tạ/ha.
Lúa lai, ngô lai nhờ có đồng vốn ngân hàng làm bà đỡ đã nhanh chóng đẩy lùi cái đói trong dân. Bụng hết đói, chăn nuôi gia súc cũng được phát triển. Chỉ trong vòng 5 năm với hơn 100 triệu đồng vay của NHCSXH đã góp phần đưa tổng đàn trâu bò lên 400 con. Toàn bản Lè có 15 hộ gia đình nuôi 10 còn trâu, bò. Riêng hộ nhà anh Quàng Văn Danh đã phát triển đàn trâu bò của mình đến 60 con.
Ngoài 30 hộ dân đã đủ lúa ngô ăn vài năm thì bà con ở đây còn vay vốn NHCSXH phát triển trồng khoai tây và rau, đậu để tận dụng quỹ đất, tạo thêm thu nhập.
Trên vùng núi cao này, đời sống người dân bản Lè ấm no, tươi vui dần và việc nộp lãi, trả nợ ngân hàng cũng được thực hiện đầy đủ.
Những gì ghi lại trong ngày đầu xuân ở bản Lè cho thấy: Ở đâu người dân cũng có cơ hội thoát nghèo nếu có sự chú ý đầu tư của các cấp, các ngành. Và người dân có thể trở thành giàu có, triệu phú, thay đổi được hoàn cảnh của mình nếu họ biết cách sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích và chịu khó tiếp thu kiến thức KHKT vào sản xuất có kết quả.
Đông Dư