Ngày 15/07: Thị trường dè dặt, hai chỉ số cùng điều chỉnh nhẹ
Đăng ngày: 15/07/2010Sáng 15/07, trạng thái lình xình tiếp tục quay lại thị trường chứng khoán và kéo dài cho đến hết thời gian giao dịch. VN-Index ghi nhận phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2.15 điểm, tương đương 0.42%, đóng cửa tại 505.19 điểm. HN-Index cũng quay đầu giảm 1.71 điểm (-1.05%) sau 5 phiên tăng trưởng nhẹ và chốt ở 160.71 điểm.
Phiên giao dịch lình xình ở thị trường Mỹ và Châu Âu đêm trước được xem là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại một hội thảo diễn ra sáng 15/07 rằng nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2010 sẽ phục hồi, tăng trưởng đúng với kế hoạch của Quốc hội đề ra, nhưng xét về trung và dài hạn sự tăng trưởng đó chưa thực bền vững.
Ông Lịch cho rằng tình trạng tranh tối tranh sáng của nền kinh tế, những bất cập trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết triệt để. Và sự kiện Vinashin nhiều ngày qua là biểu hiện rõ nét nhất của sự bất cập đó.
Như vậy, có thể xem chính những bất cập này là tác nhân sâu xa gây ra tình trạnh lình xình của nền thị trường chứng khoán suốt thời gian qua. Sự kiện hai quỹ của Dragon Capital tiếp tục ở lại Việt Nam chỉ là một cơn gió thoảng qua, chứ nó không đủ mạnh để giúp thị trường phục hồi mạnh.
HOSE
HNX
Trở lại với phiên giao dịch sáng 15/07, thị trường mở cửa với tâm lý thận trọng dè dặt quen thuộc, nó bao trùm khắp các sàn khiến giao dịch trở nên yếu hẳn, lệnh mua hầu hết đều ở mức dưới hoặc bằng mức tham chiếu. Trong khi đó áp lực bán chốt lời không còn nhiều nhưng thay vào đó là lệnh bán với giá cao khiến thanh khoản tiếp tục với chiều hướng suy giảm như thời điểm 12/07 trở về trước.
Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa tại HOSE, VN-Index giảm 1.5 điểm (-0.3%) tạm chốt tại 505.84 điểm, thanh khoản giảm xuống còn hơn 2.85 triệu đơn vị, mới đạt trên 75.36 tỷ đồng. một lần nữa thanh khoản chưa thể vượt nổi mốc 100 tỷ đồng trong đợt 1 ở sàn này. Toàn sàn có đến 142 mã giảm, số mã tăng chỉ là 44 và 64 mã đứng giá.
Cùng thời điểm này, chỉ số trên sàn HNX giảm nhẹ 0.34 điểm, tương ứng với mức giảm 0.21% xuống còn 162.08 điểm. khối lượng giao dịch đạt trên 7.2 triệu đơn vị, và giá trị trên 221.08 tỷ đồng. Hầu hết cổ phiếu lớn nhỏ đều quay đầu đi xuống, nhóm cổ phiếu tài chính chứng khoán sau hai phiên tăng trưởng mạnh đã nhanh chóng xì hơi trong ở những phút đầu của phiên này.
Cổ phiếu KLS có giao dịch bùng nổ ở phiên trước, bước sang phiên này trở nên ảm đạm với mức giảm khoảng 1%, và khối lượng chuyển nhượng mới đạt hơn nửa triệu đơn vị.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu cởi mở hơn giúp thị trường sôi động trong một vài phút đầu, VN-Index nhích nhẹ lên khỏi mức tham chiếu nhưng chỉ duy trì khoảng 1 phút đã quay đầu giảm. Thời gian còn lại của đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index có thêm một lần vượt lên mốc tham chiếu, sau đó tiếp tục giảm mạnh hơn đến hết đợt. Kết thúc đợt này, chỉ số mất 1.59 điểm và tạm chốt tại mốc 505.79 điểm.
Đến thời điểm này, thanh khoản mới đạt trên 941.44 tỷ đồng, khối lượng giao dịch mới hơn 32.15 triệu đơn vị. toàn sàn có 131 mã giảm, 68 mã tăng và 44 mã đứng giá. Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn giao dịch lình xình và không có mã cổ phiếu nào tăng nổi trội ngoại trừ mã STB đang quanh quẩn ở mức tham chiếu với thanh khoản dẫn đầu thị trường với trên 2.8 triệu đơn vị.
KSB, CTI, KHA, CNT và CNT là những mã tăng mạnh nhất tính đến thời điểm này. Ở chiều ngược lại thị trường ghi nhận VNI, VKP, FDC, APC và VNE là các mã giảm giá mạnh nhất.
Cùng thời điểm này tại HNX, chỉ số giảm mạnh hơn đầu giờ với 1.05 điểm, tạm dừng tại 161.37 điểm, số mã giảm chiếm 179 mã, số mã giảm là 84 và 51 mã đứng giá hoặc không có giao dịch.
Đợt khớp lệnh đóng cửa tại HOSE, VN-Index tiếp tục ghi nhận mức tăng điểm mạnh hơn hai đợt trước, với mức giảm 2.15 điểm, tương ứng với 0.42%, và kết thúc phiên ở 505.19 điểm. Thanh khoản đã vượt trên 1,000 tỷ đồng đạt 1,140 tỷ đồng và khối lượng giao dịch ở mức 38.76 triệu đơn vị.
Tính chung toàn phiên, khối lượng giao dịch của HOSE đạt trên 42.69 triệu đơn vị và trên 1,259 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên trước đó.
Đối với từng cổ phiếu, toàn sàn có 136 mã giảm điểm, 67 mã tăng giá và 45 mã đi ngang. Trong đó, thị trường có 16 mã tăng giá trần và vỏn vẹn 2 mã giảm sàn gồm STG và VNE.