Ngày 07/07: Thủng ngưỡng tâm lý, VN-Index tiếp tục trượt dài
Đăng ngày: 07/07/2010Phiên giao dịch sáng 07/07, thị trường đóng cửa không như mong đợi của nhà đầu tư khi bật xanh vào đầu phiên nhưng nhanh chóng đảo chiều đi xuống, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp. VN-Index dễ dàng đâm thủng ngưỡng hỗ trợ 500 điểm mà không có lực cầu bắt đáy nào đủ lớn để vực dậy thị trường.
HOSE
Đầu phiên giao dịch, VN-Index bật xanh trở lại với mức tăng 1.68 điểm, tương đương 0.34%, tạm chốt ở 502.5 điểm nhờ sự tăng điểm tích cực của chứng khoán Mỹ đêm trước.
Tuy vậy, tâm lý thị trường vẫn còn rất thận trọng và dè dặt. Do đó, việc Dow Jones quay về với ngưỡng hỗ trợ 9,700 điểm chỉ góp phần kìm hãm lực bán cổ phiếu trên các sàn chứ không thể làm cho lực cầu tăng đột biến. Bởi trong bối cảnh hiện tại, thế giới vẫn còn đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro mà trước mắt là nguy cơ xì hơi của bong bóng bất động sản Trung Quốc.
Kết quả, cuối đợt khớp lệnh thứ nhất, khối lượng giao dịch chỉ đạt 2.73 triệu đơn vị, trị giá trên 76.23 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu chuyển sang trạng thái xanh, trong đó có một vài blue-chips như FPT, HAG, MSN, SSI… song mức tăng không mạnh.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng điểm được duy trì và đẩy mạnh hơn trong một vài phút đầu, VN-Index có lúc tăng hơn 3 điểm gần chạm mức 504 điểm. Tuy nhiên, từ mức cao này, thị trường quay đầu đi xuống cho đến hết phiên cùng với đà đi xuống của các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á đang diễn ra đồng thời.
Ở thời điểm trước 10h00, chỉ số chính thức để mất mốc hỗ trợ tâm lý 500 điểm và số cổ phiếu giảm điểm không ngừng gia tăng. Kết thúc đợt 2, VN-Index mất 2.77 điểm (-0.55%) tạm dừng ở 498.05 điểm, thanh khoản duy trì ở mức thấp với 31.89 triệu đơn vị, giá trị giao dịch chỉ dừng ở con số 846.91 tỷ đồng.
Trong đợt 3, thị trường ghi nhận thêm 7.51 triệu đơn vị khớp lệnh, trị giá 224.75 tỷ đồng; nâng tổng giao dịch 3 đợt lên 39.39 tỷ đồng, tương đương 1,071 tỷ đồng, tăng so với phiên trước khoảng trên 2 triệu đơn vị và 50 tỷ đồng giá trị. Tuy nhiên, VN-Index lại ghi nhận số điểm giảm 3.91 (-0.78%) và chốt phiên ở 496.91 điểm.
Tính thêm đợt giao dịch thỏa thuận, HOSE có 46.41 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương ứng với 1,284 tỷ đồng. Trong đó, PVF đạt thỏa thuận khá lớn với 2 triệu đơn vị, giá 27,000 đồng/cp và LSS 1 triệu đơn vị, với giá 31,600 đồng/cp.
Toàn sàn có 150 mã giảm, 56 mã tăng và 42 mã đứng giá. Trong đó, số mã tăng trần chiếm 18 và các mã giảm sàn là 10.
Gần như toàn bộ các mã blue-chips đều mất điểm trong phiên này, duy chỉ có mã VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn tăng nhẹ 100 đồng/cp và một số mã khác đi ngang như VNM, MSN, và HCM.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu penny-stock vẫn giữ được đà tăng mạnh dù thiếu thông tin hỗ trợ rõ ràng như BCE, CYC, TRI, VKP, BSH, VHC, L10, CNT… Đây là các mã có biên độ tăng mạnh nhất ở phiên này.
Các mã giảm mạnh nhất trong phiên thuộc về STB với mức điều chỉnh 17.87%, còn 17,000 đồng/cp và HBC mất 11.31%, chốt ở 34,500 đồng/cp do đây là phiên giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm của hai mã này. Bên cạnh đó, một số mã penny-stock có mức giảm kịch sàn như UIC, VID, ALP, DXG, VHG, FDC…
Mã UDC của bất động sản Udec trong phiên được giao dịch với mức giá trần, nhưng cuối giờ bất ngờ đóng cửa với biên độ giảm 4.76%. tính chung cả phiên, biên độ dao động của mã này lên đến 8.77%. Có khá nhiều mã rơi vào tình trạng tương tự khi tăng điểm đầu phiên và quay đầu giảm cuối phiên như UIC, VID, ALP, DHC, MHC, VES, DIC, DTT, VHG…
Xét về mặt thanh khoản, có tổng cộng 7 mã được giao dịch với khối lượng trên 1 triệu đơn vị. trong đó, STB dẫn đầu danh sách với 2.28 triệu đơn vị, tiếp theo là PVF với 2.13 triệu; SBT, GTT, VHG có khối lượng đạt lần lượt 1.82 triệu, 1.6 triệu và 1.48 triệu đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giao dịch cầm chừng với khối lượng mua ở mức 1.36 triệu đơn vị, thấp nhất trong nhiều phiên trở lại đây. Chỉ có 2 mã SSI và VFMVF1 được khối này mua trên 100 ngàn đơn vị, còn lại các mã cổ phiếu lớn và quen thuộc khác như DPM, FPT, HAG, HPG, HSG, ITA, KBC, PVD, PVF, VCB… có khối lượng mua thấp hơn bình thường rất nhiều.
Ông Nguyễn Sỹ Hà – Chuyên viên Phân tích Kỹ thuật CTCK TPHCM (HCM) đánh giá việc VN-Index đâm thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý 500 điểm nhìn chung là điều không tốt, nhưng cùng với nó là khối lượng giao dịch thấp cho thấy áp lực xả hàng dưới ngưỡng này không quá lớn và nhà đầu tư vẫn giữ được tâm lý bình tĩnh.
Ông cho biết, việc chứng khoán châu Á giảm điểm vào buổi sáng là nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường trong nước giảm theo. Ông cũng cho rằng, các phiên giao dịch tiếp theo VN-Index sẽ tiếp tục test ngưỡng 490-493 điểm và khẳng định đây vẫn là giai đoạn side way của thị trường ở trung và ngắn hạn của thị trường, không phải là chu kỳ đi xuống.
HNX
Trên sàn HNX, giao dịch diễn biến tương tự sàn HOSE nhưng mức giảm của HNX-Index có phần yếu hơn so với VN-Index. Cuối phiên, chỉ số này mất 0.71 điểm, tương đương 0.46%, chốt tại 155.09 điểm. Thanh khoản cũng tỷ lệ thuận với đà đi xuống của chỉ số, khi khối lượng giao dịch được ghi nhận ở mức hơn 30 triệu cổ phiếu, trị giá trên 868 tỷ đồng. Thống kê toàn sàn có 167 mã giảm, 102 mã tăng, 32 mã đứng giá và 6 mã không có giao dịch.
Phiên này, HNX đón nhận 13.5 triệu cổ phiếu SVS của Chứng khoán Sao Việt lên vào giao dịch. Kết phiên, SVS có giá trung bình 18,200 đồng/cp với 143,700 đơn vị được chuyển nhượng thành công.