Ngân hàng trung ương Châu Âu thúc đẩy việc thiết lập SSM
Đăng ngày: 1/2/13Ngày 29/3/2013, Diễn đàn Ngân hàng Châu Âu 2013 do Hiệp hội các ngân hàng tài chính & thương mại và Hiệp hội dịch vụ tài chính quốc tế (BDFT-IFSA) phối hợp tổ chức đã khai mạc tại thành phố Franfurt.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu Victor Constancio đã tham dự đã cho biết một số thông tin liên quan tới việc thiết lập Cơ quan thanh tra giám sát duy nhất (SSM) tại Châu Âu đối với hệ thống ngân hàng.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch Victor Constancio đã nêu bật 2 mục đích chính của việc thiết lập Cơ chế thanh tra giám sát duy nhất (SSM) tại Châu Âu là: Thứ nhất nó nhằm mục đích giải quyết cái gọi là “3 mục tiêu khó khăn” không thể hoàn thành cùng một lúc là ổn định tài chính, hội nhập tài chính và duy trì các chính sách tài chính quốc gia trong một thị trường tài chính hội nhập. Đây chính là trường hợp liên quan đến một liên minh tiền tệ có mức độ gắn kết cao giữa các định chế tài chính và các thị trường tài chính. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy những vấn đề khó khăn trong hệ thống tài chính của một quốc gia có thể lan truyền nhanh chóng và mạnh mẽ như thế nào sang quốc gia khác, và thậm chí còn đe dọa đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng khu vực Eurozone. Những vấn đề này chỉ có thể đánh giá và xử lý một cách tốt nhất bởi một cơ quan thanh tra giám sát trung ương nơi có được cái nhìn toàn cục đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng Eurozone hơn là thông qua việc hợp tác giữa các cơ quan thanh tra giám sát của các quốc gia. Mục đích thứ hai là SSM sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc tiêu cực giữa nhà nước và các ngân hàng và đây chính là những điểm chủ chốt trong cuộc khủng hoảng hiện nay, thể hiện qua việc chính phủ các nước phải hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng gặp khó khăn cùng với những tổn thất do rủi ro mà các ngân hàng này phải gánh chịu cho chính phủ ở các nước đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế và tài chính.
Phó Chủ tịch Constancio nhấn mạnh: Trong bối cảnh này, yêu cầu phải ngăn chặn được tình trạng lan truyền giữa các ngân hàng và chính phủ các nước bằng cách trao trách nhiệm về việc ổn định hệ thống ngân hàng ở cấp độ Châu Âu bằng một cơ chế thanh tra giám sát duy nhất đã trở nên rất rõ ràng. SSM cũng sẽ góp phần thiết lập nên một hệ thống ngân hàng hội nhập hơn để hỗ trợ cho Liên minh kinh tế và tiền tệ. Một khi ra đời, SSM sẽ có thể tăng vốn cho các ngân hàng một cách trực tiếp. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã nhất trí cho rằng Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ đóng vai trò trung tâm trong SSM. Bởi lẽ, trách nhiệm thực thi chính sách tiền tệ làm cho ngân hàng trung ương quan tâm sâu sắc đến một hệ thống tài chính ngân hàng ổn định; có mối quan hệ khăng khít giữa việc kiếm soát an toàn vĩ mô đối với các định chế tài chính và việc đánh giá rủi ro đối với toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng, đó chính là trách nhiệm an toàn vĩ mô của ngân hàng trung ương; và tính đồng bộ liên quan đến thông tin cũng xuất hiện giữa công tác thanh tra các ngân hàng và chức năng của ngân hàng trung ương, chẳng hạn như giám sát hệ thống thanh toán. Các ngân hàng trung ương cũng có nhiều kinh nghiệm sâu rộng về hệ thống tài chính ngân hàng do vai trò thực thi chính sách tiền tệ và thanh tra giám sát cũng như mối quan tâm chung đối với sự ổn định tài chính. Những yếu tố này đã góp phần tăng thêm quyền lực thanh tra giám sát an toàn vĩ mô của ngân hàng trung ương tại hầu hết các quốc gia ở Eurozone.
Phó Chủ tịch Constancio đề cập đến những đặc điểm chính của SSM như sau : Nhân tố quan trọng nhất đầu tiên là “tính hòa nhập toàn diện”, nghĩa là SSM sẽ bao gồm tất cả các tổ chức tín dụng từ các nước hội viên. Điều này rất quan trọng vừa để duy trì một môi trường bình đẳng giữa tất cả các ngân hàng vừa để tránh những rủi ro hệ thống có thể tích tụ trong hệ thống ngân hàng nằm ngoài sự giám sát của SSM. Nhân tố quan trọng thứ hai là “tính hiệu quả”, vì khuôn khổ pháp quy tạo ra cho ECB một loạt các quyền lực hiệu quả bao gồm tất cả các công cụ liên quan đến thanh tra giám sát vi mô, cho phép ECB quan tâm đến tất cả mọi hoạt động của các ngân hàng kể từ khi được thành lập cho đến lúc bị ngừng hoạt động, cụ thể là cho phép ECB cấp phép và rút giấy phép cho các tổ chức tín dụng, đánh giá M&Á các tổ chức tín dụng, và thực hiện thanh tra giám sát tổng hợp.
Một yếu tố quan trọng khác của SSM là trao cho ECB các nhiệm vụ an toàn vĩ mô. Cách tiếp cận thanh tra giám sát vi mô có thể đánh giá không đầy đủ cấu phần hệ thống và không có khả năng nhắm tới các yếu tố tiêu cực ngoại lai có thể tích tụ lại do hậu quả rủi ro tăng lên cho toàn hệ thống. Hoạt động cho vay bùng nổ tại một số quốc gia Eurozone trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng là một minh chứng điển hình. Tại Châu Âu, cơ sở hạ tầng quy chế pháp quy và thanh tra mới hiện nay sẽ tạo ra cho các cơ quan thẩm quyền đầy đủ các công cụ thanh tra giám sát an toàn vĩ mô để chặn đứng các rủi ro và giảm thiểu tính chất thiên về chu kỳ của hệ thống tài chính ngân hàng. Đồng thời, ECB sẽ được trao quyền hạn áp dụng các yêu cầu cao hơn về an toàn vốn và các biện pháp an toàn khác.
Phó Chủ tịch Constancio kết luận: Việc thành lập Cơ chế thanh tra giám sát duy nhất là một phần trong dự án to lớn hơn nhằm hoàn tất việc thành lập Liên minh kinh tế và tiền tệ. Triển vọng của việc thiết lập Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng ở cấp độ châu lục là một bước tiến to lớn kể từ khi thành lập Eurozone đến nay, thể hiện thái độ sẵn sàng của các nước thành viên tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập và đồng thời tạo ra một khuôn khổ hoạt động hiệu quả hơn cho Eurozone.
Từ Khóa: TB, Ngân Hàng, NH, Hệ Thống, SSM, Hệ Thống, Quốc Gia,