Ngân hàng sẵn sàng cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp ngành điều
Đăng ngày: 12/3/12Đa số các ngân hàng cho biết họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN xuất khẩu điều, sẵn sàng cơ cấu lại nợ, xem xét từng trường hợp cụ thể.
"Mặc dù gặp không ít khó khăn do lượng cầu của cả trong nước và thế giới giảm nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu điều nước ta đang cầm cự được, thậm chí có đơn vị vẫn còn "ăn nên làm ra”. Không có chuyện các DN đang bên bờ vực của sự phá sản như những thông tin đồn đại”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tại Hội nghị "Giải pháp tín dụng cho nhập khẩu điều năm 2012” vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo lãnh đạo VINACAS, thời gian qua, các ngân hàng thực hiện chủ trương thắt chặt tín dụng nên một số DN điều gặp bế tắc do thiếu vốn. Cộng với giá điều và nhu cầu của thị trường thế giới có giảm sút, nhiều DN đã găm hàng lại để chờ giá tăng lên. Do vậy, đến kỳ trả nợ ngân hàng, DN không có tiền để thanh toán. Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, còn có nguyên nhân từ chính các DN, họ đã tiên liệu chưa tốt được với biến động giá của thị trường. Giá hạt điều liên tục giảm trong thời gian qua. Năm 2011, điều xuất khẩu bình quân dao động từ 8.000-8.200 USD/tấn, đến tháng 1-2012 xuống còn 7.000 USD/tấn, và hiện giờ còn 6.500 USD/tấn.
Đại diện nhiều ngân hàng như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Á Châu (ACB), Eximbank cũng đã đưa ra những tư vấn cho các doanh nghiệp. Đa số các ngân hàng cho biết họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN xuất khẩu điều, sẵn sàng cơ cấu lại nợ, xem xét từng trường hợp cụ thể. Khuyến cáo các công ty đang có dư nợ xấu cần phải dám cắt giảm lỗ, không nên cố ôm hàng lâu dài có thể ảnh hưởng đến giao dịch của công ty với ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch thường trực VINACAS, ngành điều Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng, 20 năm về trước, doanh thu xuất khẩu chưa đầy 130 triệu USD, đến năm 2010, con số này đã thành 1,3 tỉ USD, và năm 2011 là 1,5 tỉ USD, trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2011, VINACAS cũng đã thành lập ra nhóm G20 (các công ty xuất khẩu điều hàng đầu Việt Nam), nhóm này bao gồm những DN xuất khẩu điều lớn, uy tín, chiếm đến 70% sản lượng xuất khẩu toàn Việt Nam. Các ngân hàng cũng chưa ghi nhận nợ xấu của nhóm G20 này. Hiện nay VINACAS có đến gần 300 đầu mối giao thương giữa các công ty xuất nhập khẩu. Vì vậy, ngân hàng không phải quá lo lắng về đầu ra, cũng như tương lai của sản phẩm điều.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch HĐQT Công ty Lafuco – Long An, thành viên của G20 cho rằng, ông rất lạc quan vào ngành điều trong năm nay. Ông phân tích, Ấn Độ đã phát triển điều trước Việt Nam 50 năm, Việt Nam chỉ mới phát triển điều 20 năm nay, nhưng hiện nay Việt Nam đã vượt lên vị trí đầu bảng về xuất khẩu. Liên quan đến biến đổi giá, theo thông lệ, quý 1-2012 giá thường là thấp nhất vì sau Tết tiêu thụ điều chậm lại, nhưng với giá 6.500 USD/tấn như hiện nay là được. Ông Chiểu dự báo, năm nay điều thế giới không trúng mùa, vừa qua nhiều nơi trồng điều ở Ấn Độ đã bị ảnh hưởng do lốc xoáy, nếu nước này không trúng mùa thì giá điều sẽ lên. "Ngành điều rất bình tĩnh nhưng các ngân hàng và báo chí lại hốt hoảng. Bây giờ, chúng ta chỉ mới bắt đầu vào cuộc thôi. Từ đây đến cuối năm còn dài”.
Đại diện của ngân hàng ACB, ông Nguyễn Huy Phú, Phó Giám đốc khối DN cho biết, vẫn đồng hành cùng với DN, ACB cũng chưa phát hiện rủi ro gì đối với thanh khoản của các DN điều đang làm ăn với ACB. Năm 2012, ACB đảm bảo ngoại tệ cho các DN nhập khẩu điều.
Theo VINACAS, ngành điều năm nay dự kiến sẽ sản xuất 800.000 tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 400.000 tấn. Trong quý 1, VINACAS cần vay từ 9.000 – 10.000 tỉ đồng để thu mua; cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 9, VINACAS cần 250 triệu USD để nhập khẩu. Quý 3 các DN đang khó khăn về vốn sẽ ổn định và có khả năng thanh khoản. Theo VINACAS, hiện lãi suất cho vay VND là từ 13-14% vẫn còn cao, riêng đối với lãi suất USD, trong khoảng 6% các DN có thể chấp nhận được, nhưng nếu chỉ nhích lên 0,5% nữa thì nhiều DN sẽ không dám vay.
Theo Lam Hồng
Đại đoàn kết
Từ Khóa: Đại Diện, Ngân Hàng, NH, Phát Triển, Vietinbank, Công Thương, VN,