Ngân hàng 0 đồng có thể trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài
Đăng ngày: 12/14/2016Theo đề xuất của Nhóm công tác thị trường vốn, đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn hoặc ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 35% cổ phần; còn đối với đối với ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100%.
VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Tại thời điểm cuối năm 2012 khi ngân hàng đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, TrustBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Theo lời của một vị đại diện NHNN thì thời điểm ấy không có nhà đầu tư nào mua lại Ngân hàng Xây dựng và theo các định giá của đơn vị độc lập EY thì cơ sở để mua lại giá 0 đồng là do Ngân hàng Xây dựng lúc đó có giá trị thực âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu. Do không thể khắc phục được, VNCB là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015.
Cũng như VNCB, ngân hàng OceanBank bị âm vốn điều lệ và tự thân họ không thể bù đắp nổi để có được một mức dương trên 0 đồng. Nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp hơn 2 lần)…
Ngày 25/4/2015, NHNN đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại OceanBank, giúp NHNN chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, bảo đảm việc chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan yếu kém từ OceanBank đến các ngân hàng khác.
Còn GP.Bank, tại thời điểm ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GP.Bank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng.
NHNN đã mua lại bắt buộc GP.Bank toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng từ ngày 7/7/2015.
Trở lại với đề xuất bán các ngân hàng 0 đồng cho đối tác ngoại, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, dù các ngân hàng nước ngoài đã có thể thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước mà vừa có được mạng lưới lẫn đội ngũ nhân sự và các khách hàng sẵn có thì họ vẫn sẵn sàng.
Theo cafef.vn