Năng động và mạnh dạn, đoàn viên Hứa Văn Thư phát huy hiệu quả đồng vốn
Đăng ngày: 22/2/12Chúng tôi về thôn Tồng Riền, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) hỏi thăm Bí thư Đoàn TN xã Hứa Văn Thư.

Là người Nùng, sống ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc, nhưng Thư may mắn được đi nhiều nơi, được tham quan, học tập các mô hình kinh tế ở nhiều địa phương. Do đó, khi trở về quê hương, Thư luôn tự tin vào quyết định của mình.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trung cấp thú y, cầm trong tay 500 nghìn đồng học bổng của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội dành cho sinh viên vùng đặc biệt khó khăn. Thư quyết định mua 300 con gà Lương phượng, giá 1.500 đồng/con mang về bán cho nông dân trong xã. Sau lần ấy Thư trở thành người chuyên cung cấp gà giống cho bà con trong xã. Không chỉ có thế, Thư còn tư vấn cho nhiều gia đình nuôi thêm lợn, lúc đầu chỉ 4 - 6 con, sau tăng dần lên vài chục con.
Không dừng lại ở dịch vụ cung cấp giống gà, lợn. Thư còn mạnh dạn vay vốn của anh em họ hàng mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ năm 2007 - 2009, Thư đã có thu nhập 30 - 40 triệu đồng/năm. Vừa bán thức ăn, Thư vừa nhiệt tình hướng dẫn cách chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, cách làm chuồng nuôi cho người dân. Mỗi năm, Thư cung cấp cho bà con trong xã trên 3 nghìn con gà, vịt giống, 120 - 150 con lợn, đồng thời là người tiêm phòng điều trị các loại bệnh xảy ra trên gia súc gia cầm.
Bên cạnh việc kinh doanh các loại giống, thức ăn chăn nuôi, năm 2008. Thư đã tìm đến NHCSXH huyện Cao Lộc vay vốn đầu tư. Với 30 triệu đồng từ chương trình vay vốn tín dụng hộ gia đình SXKDVKK, Thư mua 2ha rừng bạch đàn và gần 30 con lợn, trong đó có 4 - 5 lợn nái. Mô hình này đã đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình Thư, giúp anh có thu nhập 70 - 75 triệu đồng/năm.
Năm 2009, dịch lợn nghệ (hay còn gọi là dịch lợn hôi) bất ngờ ập tới xã Hải Yến, giống như bao gia đình khác trong xã, đàn lợn nhà Thư cũng không tránh khỏi bị thất bại nhưng anh không nản, quyết tâm gây dựng lại từ đầu. Sau 3 tháng, Thư đã chuyển hướng sang chăn nuôi gà và trồng vải thiều, hồi, trong đó: 200 con gà mía lai thương phẩm là trụ cột chính. Từ đó, gia đình Thư bắt đầu có thu nhập ổn định trở lại. "Từ năm 2010, đàn gà của gia đình tôi tăng khá nhanh, mỗi năm bán 2 lứa, tương đương 500 - 600 con. Tổng lãi lên tới 40 - 45 triệu đồng/năm".
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lăng Đình Chớ, đoàn viên cùng xã cho biết: "Anh Thư không những là Bí thư Đoàn giỏi mà còn rất mạnh dạn trong làm kinh tế, là tấm gương sáng để chúng tôi học hỏi làm theo".
Không chỉ làm kinh tế giỏi, giúp đỡ tư vấn cho đoàn viên thanh niên, nhân dân trong xã, Thư còn là Bí thư Đoàn xuất sắc, đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đứng ra ký hợp đồng cho Đoàn TN tham gia nhận khoán dự án tu sửa bảo dưỡng công trình đường 325 chạy qua địa bàn xã với tổng chiều dài 9km; cùng với Ban chấp hành Đoàn xã xây dựng kế hoạch phân cho các chi đoàn đảm nhiệm từng đoạn đường.
Với những thành tích của mình, Hứa Văn Thư đã nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt
UBND tỉnh Lạng Sơn.
Minh Giang