Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay là mục tiêu cao nhất khi nhận ủy thác
Đăng ngày: 3/2/12Trong những năm qua, các cấp Hội CCB Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch, văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác đã ký với NHCSXH; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu XĐGN, GQVL và bảo đảm ASXH, tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến hết năm 2011, tổng dư nợ ủy thác qua Hội CCB Việt Nam đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, với 13 chương trình tín dụng; so với năm 2010 dư nợ tăng 2.223 tỷ đồng, mức vay bình quân hộ tăng từ 10,2 triệu đồng lên 14,4 triệu đồng, mức vay bình quân tổ tăng từ 326,7 triệu đồng lên 436,2 triệu đồng, toàn hội đang quản lý 32.368 Tổ TK&VV với trên 980 nghìn hộ vay. Trong năm 2011, từ các nguồn vốn vay NHCSXH, vốn vay của nội bộ hội viên giúp nhau làm kinh tế đã tạo việc làm cho hơn 200 nghìn lao động là CCB và con em họ; điều đó nói lên sự cố gắng rất lớn của cả hai phía NHCSXH và tổ chức Hội CCB các cấp trong việc chăm lo đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện để họ có việc làm, có thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong công tác quản lý, Hội CCB Việt Nam chỉ đạo các cấp hội tham gia thực hiện dịch vụ ủy thác của NHCSXH, ngoài chất lượng thực hiện ủy thác, số lượng tiền vay, mà mục tiêu cao nhất là hiệu quả sử dụng đồng vốn vay phải phục vụ thiết thực cho việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, phải sử dụng vốn đúng mục đích, tạo được việc làm mới, việc làm thêm, tăng thu nhập, chăm lo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, việc học tập cho con em...
Ngay từ đầu năm 2011, Trung ương Hội CCB đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ kinh tế cho cán bộ các tỉnh, thành hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; trong đó tập trung nhiều thời gian tập huấn việc thực hiện dịch vụ ủy thác của NHCSXH, tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác, hiệu quả sử dụng vốn vay. Qua quá trình quản lý, hướng dẫn của NHCSXH và thực tế chỉ đạo của các cấp hội đều thống nhất đánh giá kết quả hoạt động của Tổ TK&VV là rất quan trọng trong quy trình ủy thác cho vay; vì vậy muốn nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác, hiệu quả sử dụng vốn vay thì phải tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV. Mọi phát sinh tốt hay xấu đều xuất phát từ hoạt động của tổ và cuối cùng mọi việc xử lý, giải quyết của các cấp đều phải thông qua tổ, có Tổ trưởng chứng kiến, xác nhận...
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, các cấp hội đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dịch vụ ủy thác của hội cấp dưới, chỉ ra những việc cần làm ngay, tìm nguyên nhân tồn tại, vướng mắc ở đơn vị làm chưa tốt để có biện pháp tháo gỡ. Đối với hội cấp cơ sở phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phải phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, sự hướng dẫn nghiệp vụ của NHCSXH; sau đó là việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách cho các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn; chỉ đạo thành lập tổ; chọn người để bầu vào Ban quản lý tổ, Tổ trưởng Tổ TK&VV có đủ nhiệt tình, trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ và của hội giao cho. Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho Tổ trưởng, Ban quản lý; thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ và Tổ trưởng Tổ TK&VV.
Trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành hội và qua phân tích số liệu thực hiện trong năm 2011, Trung ương Hội CCB Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn số 87/HD-CCB về việc “Nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ ủy thác của NHCSXH” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối với hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, một mục tiêu cao nhất mà trong thực hiện dịch vụ ủy thác cần phải đạt được. Với tinh thần đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khuyết điểm, yếu kém, tồn tại, Trung ương hội cũng chỉ rõ những đơn vị còn để nợ quá hạn cao, có xâm tiêu, chiếm dụng lớn; biểu dương những đơn vị thực hiện dịch vụ ủy thác tốt, tích cực thu hồi nợ quá hạn, xử lý thu hồi tiền bị xâm tiêu, chiếm dụng nhanh. Hàng năm tiếp tục đưa việc thực hiện ủy thác của NHCSXH là một tiêu chí xem xét của phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”.
Trung ương Hội CCB cũng đã phê duyệt kế hoạch công tác kinh tế năm 2012, trong đó có kế hoạch hội nghị rút kinh nghiệm và tập huấn chuyên sâu về thực hiện dịch vụ ủy thác của NHCSXH. Nhưng cái mới trong việc tập huấn là tập trung tập huấn cho cán bộ hội trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, thực hiện hoạt động dịch vụ ủy thác ở cấp huyện, xã, Tổ TK&VV và tập huấn theo khu vực cụm xã, huyện đang có chất lượng thực hiện ủy thác chưa tốt; đối tượng dự tập huấn không do hội cấp trên triệu tập mà do hội cấp dưới đề nghị và lập danh sách, lập dự toán để trên tổ chức bảo đảm. Với cách làm như vậy sẽ tạo điều kiện bồi dưỡng cho các đồng chí cán bộ còn yếu về nghiệp vụ chuyên môn, các đồng chí mới được giao nhiệm vụ; đồng thời, sẽ tiết giảm được chi phí đi lại của cấp dưới, chi phí tập huấn của cấp trên.
Hội CCB Việt Nam nhận thức rằng, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH là nguồn lực rất quan trọng. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn lại càng quan trọng hơn để mỗi CCB và gia đình chính sách có thể tự vươn lên, tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập để thoát nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, có điều kiện chăm lo học tập cho con em; đồng thời cũng đã có nhiều gia đình CCB có nghị lực, có ý chí, biết cách làm ăn, lại nhờ có vốn của NHCSXH nên đã thoát nghèo, trở nên khá giả và giàu có. Việc tiếp tục thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ là hết sức cần thiết. Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những chính sách cụ thể, thiết thực hơn nữa để góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và cam kết quốc tế của Nhà nước ta về XĐGN và bảo đảm ASXH, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đỗ Công Mùi