Nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế
Đăng ngày: 22/5/12Chiều 21/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày.
Theo Báo cáo thẩm tra, các thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với 4 mục tiêu nêu trong Đề án, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung của việc tái cơ cấu là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia theo mô hình tăng trưởng mới, với cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, một số ý kiến của thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị Đề án cần nêu bật các điểm đặc trưng cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó cần bổ sung một số nội dung như: Tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công 2010-2011 ở châu Âu đã làm chậm lại dòng vốn đầu tư và thương mại toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta.
Về phương hướng tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc quy hoạch phát triển các khu kinh tế, vùng kinh tế, hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng dựa trên việc lựa chọn những vùng có lợi thế phát triển để lan tỏa làm động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển. Cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể nền kinh tế với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành động lực phát triển.
Liên quan đến định hướng tái cơ cấu đối với đất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, Báo cáo thẩm tra cho rằng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của lĩnh vực nông nghiệp từ mức hiện nay là chiếm 20,6% GDP xuống 15% GDP được nêu trong Đề án là khó khả thi.
Đa số các ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung hình thành vùng sản xuất chuyên canh, đồng thời cần kiên quyết thực hiện quy hoạch đất nông nghiệp đảm bảo an ninh, lương thực quốc gia, theo Nghị quyết số 17/2011/QH13.
Về lĩnh vực công nghiệp, các ý kiến đề nghị Đề án cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI trong cân nhắc việc lựa chọn các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển để xây dựng năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra cần cân nhắc ưu tiên phát triển một số ngành, sản phẩm mà chúng ta có tiềm năng như sản phẩm nông nghiệp xanh.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, cần chú trọng phát triển thương mại điện tử, dịch vụ phần mềm, dịch vụ xây dựng, vận tải… do các lĩnh vực này có tác động hỗ trợ mạnh và tiềm năng ảnh hướng lớn, sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tới trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Đối với nhóm giải pháp liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần có Đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình phù hợp. Trước mắt, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu. Làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Đề án xây dựng hệ thống thể chế với ưu tiên đầu tiên là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch của doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng.