Mang mùa Xuân tới cho bà con dân tộc thiểu số
Đăng ngày: 3/2/12Hàng ngàn hộ nghèo đã có nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất; hàng trăm gia đình có thêm điều kiện đầu tư cho con ăn học thành tài, hàng trăm hộ SXKD đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập…

Nỗ lực hoạt động
Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là một huyện miền núi có 15 dân tộc anh em sinh sống, với hơn 25.500 người, chủ yếu là người Raglai, ÊĐê, T’Rin, Mường, Tày, Nùng, Dao, Khmer, Chăm, Thái, H’Rê, M’Nông… Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển nhiều mặt cho huyện với mục đích nâng cao đời sống cho người dân nơi đây. Các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển thủy sản cùng với các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện ở địa bàn Khánh Vĩnh đã tạo động lực mới cho nông - lâm - ngư nghiệp nơi đây phát triển. Người dân đã tự tạo được việc làm cho bản thân. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện trong những năm qua đạt khá, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên, nhiều hộ đã thoát được nghèo. Góp phần vào thành quả chung ấy, phải kể đến nỗ lực triển khai những hoạt động cho vay ưu đãi của NHCSXH huyện Khánh Vĩnh trong những năm qua.
Ông Đào Xuân Ngùy - Giám đốc NHCSXH huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Thời gian qua huyện đã có nhiều giải pháp có hiệu quả, tập trung nguồn lực, con người và những chính sách cụ thể của địa phương nhằm giảm nghèo và trợ giúp các đối tượng chính sách khác, góp phần bảo đảm ASXH và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Về phía NHCSXH, chúng tôi đã không ngừng mở rộng các điểm giao dịch tại các xã, nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Đồng thời, thu hút được người dân đến và tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, chúng tôi đã xây dựng được 14 điểm giao dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, chúng tôi triển khai cho vay vốn HSSV hơn 425 khách hàng, với số dư nợ hơn 7,5 tỷ đồng; hộ nghèo hơn 2.395 khách hàng, dư nợ trên 25 tỷ đồng; cho vay vốn GQVL hơn 225 khách hàng, dư nợ hơn 4 tỷ đồng…”.
Để người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi được nhanh gọn, thuận tiện, NHCSXH huyện Khánh Vĩnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính. 100% số hộ vay vốn của ngân hàng đã được đổi Sổ vay vốn và một hộ có thể vay cùng một lúc nhiều chương trình của ngân hàng với các món vay từ 15 đến 20 triệu đồng. Các quy định vay phù hợp với năng lực của người nghèo với mức cho vay thích hợp. Đa phần những người vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và trả nợ đúng kỳ hạn.
Điểm tựa của người nghèo
Gia đình ông Cao Là Linh, xã Cầu Bà có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cuộc sống hàng ngày của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy ha nương bắp, rẫy mỳ (sắn) và đồng lương ít ỏi từ công việc làm thuê thất thường của ông. Đời sống chật vật là vậy, nhưng ông luôn cố gắng tích cóp cho các con được ăn học thành tài. Ông Linh cho biết: “Tôi luôn trăn trở rằng cả cuộc đời mình đã khổ rồi, chẳng lẽ đến đời các con mình cũng phải cùng chung cảnh nghèo như thế này mãi, mình phải làm, phải tiết kiệm để các con được đi học đến nơi, đến chốn. Có cái chữ, kiến thức, có việc làm ổn định thì sau này con mình mới không còn nghèo nữa. Thế nhưng sức tôi cũng có hạn, các con càng học lên cao thì chi phí ăn học càng lớn. Nhưng đúng lúc này, tôi được cán bộ xã khuyên bảo đi vay vốn NHCSXH với lãi suất ưu đãi, đến khi các con ra trường và có việc làm ổn định thì trả nợ. Thế là tôi đã gia nhập Tổ TK&VV và làm đơn xin vay chương trình HSSV. Nhờ đó, cả hai đứa con ăn học thành tài, cháu lớn đã tốt nghiệp trường Đại học Quy Nhơn với tấm bằng loại khá đã xin được việc làm. Còn một cháu đang học năm cuối cũng ở trường Đại học Quy Nhơn”.
Đối với gia đình ông Cao Nam, dân tộc Raglai, thị trấn Khánh Vĩnh cũng đang dần vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn của NHCSXH. Những năm trước đây, do không có nguồn vốn đầu tư để chăn nuôi và phát triển kinh tế vườn đồi nên gia đình ông luôn nằm trong danh sách những hộ nghèo nhất thị trấn. Cả gia đình có tới 9 khẩu nên cảnh nghèo lại càng nghèo, con cái không được ăn học đến nơi đến chốn. Thế nhưng, từ ngày ông mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH huyện về đầu tư chăn nuôi bò, phát triển hơn 2ha cây keo, 1ha rẫy mỳ (sắn) và làm tăm hương mà giờ đây gia đình ông đang dần vươn lên thoát nghèo. Ông Nam vui mừng nói: “Trước đây do được Nhà nước hỗ trợ nhiều nên lúc nào tôi cũng có tâm lý ỷ lại, trông chờ Nhà nước tiếp tục hỗ trợ. Nhưng giờ đây, tôi đã hiểu mình không thể trông chờ vào sự hỗ trợ mãi đó, mình phải chịu khó làm ăn, có như vậy cuộc sống mới bớt khổ được. Cũng từ ngày được vay vốn NHCSXH huyện mà tôi đã có điều kiện phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã mua được bò để chăn nuôi, mua được vật dụng sinh hoạt trong gia đình”.
Có thể nói, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, XĐGN cho người dân là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành. Nhưng với những gì mà NHCSXH huyện Khánh Vĩnh nỗ lực triển khai trong thời gian qua, đã và đang giúp người dân của huyện từng bước nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, để mùa xuân mang lại nhiều niềm vui mới cho bà con đồng bào các dân tộc.
Bài và ảnh Văn Giang