M&A 2013: Những ngân hàng nào sẽ được "xướng" tên?
Đăng ngày: 20/2/13Khởi đầu năm mới, TrustBank đã “nổ phát súng” đầu tiên mở màn cho hoạt động M&A ngành ngân hàng. Những cái tên nào sẽ được nhắc tới tiếp theo?
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng đã không còn xa lạ ở nước ta. Năm ngoái, SHB và Habubank đã hợp nhất thành ngân hàng SHB, bên cạnh việc TienPhongBank bán cổ phần cho Tập đoàn DOJI và Vietinbank bán cổ phần cho Mitsubishi UFJ. Năm 2011, ba ngân hàng SCB – TinNghiaBank và FicomBank đã hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Có thể thấy, hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất thực sự đã giúp hệ thống ngân hàng trở nên lành mạnh hơn. Habubank từ một ngân hàng trong diện bắt buộc phải tái cơ cấu, dưới “bàn tay” chủ tịch Đỗ Quang Hiển, SHB mới đã trích lập hết các khoản dự phòng rủi ro cho Habubank và đến quý 4 vừa qua ngân hàng sau hợp nhất đã bắt đầu có lãi.
Hay TienPhongBank, cũng từ một ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu, sau khi được DOJI bơm tiền, TienPhongBank đã hoạt động mạnh trở lại với mức tăng trưởng tín dụng đạt 15%, huy động tăng 28% và nợ xấu xuống dưới 5%. SCB thì sau 1 năm hợp nhất đã có lãi xấp xỉ 82 tỷ đồng trong năm 2012.
Kết thúc năm 2012, vẫn còn 4 trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu, bên cạnh nhiều ngân hàng phát đi tín hiệu dù không thuộc diện phải tái cơ cấu bắt buộc cũng sẽ tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh hoạt động. Người ta dự báo rằng, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng sẽ vô cùng sôi động trong năm nay.
Quả thật, vừa khởi đầu năm mới, TrustBank đã “nổ phát súng” đầu tiên mở màn cho hoạt động M&A ngành ngân hàng. Là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém, TrustBank đã được NHNN chấp thuận cho tự tái cơ cấu. Ngân hàng này đã tìm được đối tác chiến lược là Tập đoàn Thiên Thanh để bán gần 10% cổ phần và 75% cổ phần cho 20 cổ đông khác. Theo lộ trình, Thiên Thanh sẽ bơm tiền qua nhiều giai đoạn để TrustBank thực hiện tái cơ cấu.
Ngay sau TrustBank, Eximbank và Sacombank – hai ngân hàng TMCP nằm trong top 10 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam, bất ngờ tuyên bố lên kế hoạch sáp nhập trong vòng 3 – 5 năm tới. Khởi đầu cho chương trình này, hai ngân hàng ký biên bản hợp tác toàn diện. Sacombank và Eximbank không phải ngân hàng yếu kém, cũng không phải có các vấn đề về quản trị vi phạm nghiêm trọng pháp luật để bị bắt buộc tái cơ cấu, mà đơn thuần là bởi lãnh đạo hai ngân hàng này muốn hợp nhất để phát triển thành 1 ngân hàng có quy mô lớn, phù hợp với tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới.
Câu hỏi tiếp theo là, liệu sau TrustBank và Eximbank – Sacombank, sẽ đến lượt ngân hàng nào công bố tìm kiếm đối tác để bán cổ phần hay sáp nhập? Câu trả lời chắc chắn là những cái tên đã được nhắc nhiều trong năm 2012 nhưng chưa thực hiện tái cơ cấu.
Hồi tháng 12 năm ngoái, WesternBank,1 trong 3 ngân hàng yếu kém còn lại chưa tái cơ cấu (gồm WesternBank, Navibank, GP.Bank) phát đi thông cáo cho biết đã được Thủ tướng đồng ý phê duyệt Đề án hợp nhất giữa WesternBank và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí – PVFC. Dù rằng, PVFC sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin đó chưa chính xác, và rằng PVFC chưa nhận được văn bản nào từ NHNN về vấn đề này, nhưng người ta vẫn hiểu rằng, “mối duyên” giữa WesternBank và PVFC không phải là tin đồn.
Theo một số nguồn tin, ngay sau Tết Nguyên đán, WesternBank sẽ tổ chức ĐHCĐ về vấn đề tái cơ cấu. Rất có thể, vấn đề hợp nhất như ngân hàng này đã từng “đánh tiếng” sẽ được nhắc đến.
Sau WesternBank sẽ đến lượt Navibank? Rất có thể. Vì ngân hàng này từ năm ngoái đã được NHNN chấp thuận phương án tự tái cơ cấu. Rất có thể Navibank cũng sẽ đi theo con đường của TrustBank và TienPhongBank.
Thêm một trường hợp nữa dự kiến cũng sẽ thực hiện M&A trong năm nay đó là HDBank và DaiABank. Cũng giống như trường hợp của Sacombank – Eximbank, hai ngân hàng này không thuộc diện phải tái cơ cấu vì yếu kém, mà vì muốn phát triển mạnh hơn nữa.
Hồi tháng 10 năm ngoái đã có tin rằng NHNN đã chấp thuận cho DaiABank hợp nhất với HDBank, lại có tin rằng HDBank sẽ mua lại một ngân hàng khác. Hai ngân hàng đã có kế hoạch ĐHCĐ về tái cơ cấu chỉ cách nhau 1 ngày, song sau đó lại cùng hoãn. Dù rằng 2 ngân hàng này lên tiếng phủ nhận việc sáp nhập, hợp nhất, nhưng người ta cũng hiểu rằng, những thông tin như vậy không phải ngẫu nhiên mà có.
Dù có chuyện mua bán hay sáp nhập hay không giữa hai ngân hàng này, có lẽ thị trường cũng không phải chờ quá lâu để có được câu trả lời, bởi NHNN đã ra chỉ thị yêu cầu các ngân hàng phải có phương án tái cơ cấu trình NHNN trước ngày 28/2/2013 (nội dung của Chỉ thị 01/NHNN).
Trường hợp của GP.Bank, 1 trong 3 ngân hàng còn lại chưa tái cơ cấu vẫn là một ẩn số đến nay chưa có lời giải. Thông tin về việc ngân hàng này sẽ tự tái cơ cấu hay tìm biện pháp khác để thực hiện tái cơ cấu vẫn chưa xuất hiện. Song có điều chắc chắn trong năm 2013, GP.Bank sẽ phải thực hiện tái cơ cấu theo “lệnh” của NHNN.
Ngoài các trường hợp kể trên, rất có thể sẽ có thêm nhiều trường hợp khác, không chỉ đơn thuần là ngân hàng mà còn các tổ chức tín dụng khác sẽ thực hiện M&A trong năm nay. Công ty CP Tài chính Vinaconex – Viettel mới đây cho biết cũng sẽ tìm kiếm đối tác để M&A và đặt mục tiêu trở thành ngân hàng. Theo định hướng này, không loại trừ khả năng Vinaconex – Viettel sẽ sáp nhập với một ngân hàng.
Hiệu quả từ hoạt động M&A với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung là rất tích cực, xét về mọi phương diện. NHNN mới đây cũng lên tiếng rất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD chủ động sáp nhập, hợp nhất, mua lại.
Nguyễn Hằng
Từ Khóa: PT, TH, Ngân Hàng, NH, TRUSTBank, NHNN, Dự Báo,