Lộn xộn du lịch phố cũ Hà Nội
Đăng ngày: 23/2/11Hoạt động kinh doanh du lịch tại khu vực phố cũ (Q.Hoàn Kiếm) Hà Nội ngày càng phức tạp, chủ yếu là những vi phạm kinh doanh trái phép, giả mạo các thương hiệu lữ hành, khách sạn uy tín hoặc phá giá, lừa đảo khách.
Chánh thanh tra Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, ông Đào Lê Trung, nhận xét: “Nhiều hướng dẫn viên đưa đoàn Tây “balô” xuống thăm vịnh Hạ Long không có thẻ hành nghề, bị kiểm tra liền khai là khách của công ty A., B. trong khu phố cũ. Khi chúng tôi liên hệ, lữ hành chối bay, nên không xử lý tiếp được”!
Của rẻ là của ôi!
Anh Trịnh Minh Hiếu (trú đường Trường Chinh - quận Đống Đa) mua tour ghép đi chùa Hương vào mùng 4 tết Tân Mão tại văn phòng du lịch F. trên phố Hàng Bạc. Giá chung thị trường hôm đó khoảng 530.000 đồng/khách, bao gồm vé cáp treo khứ hồi, còn văn phòng này bán rẻ hơn 30.000 đồng!. Giờ khởi hành ghi rõ 8h, song lái xe loại 16 chỗ, trên thành sơn dòng chữ Queen travel, lòng vòng quanh khu phố cũ đón năm nhóm khách lẻ (16 khách Tây, ta lẫn lộn), người nọ chờ người kia nên mất thêm 30 phút nữa.
Đến bến Đục, suối Yến, hướng dẫn viên (HDV) lại dặn khách chờ “một xe khác cùng công ty sắp tới”. Vạ vật đứng ngồi tới gần 50 phút, một xe Queen travel 24 chỗ mới tới đổ khách. Cả nhóm chia làm đôi lên hai thuyền theo hai HDV - đều không đeo thẻ hành nghề.
![]() |
(Ảnh: Đất Việt) |
Anh Bùi Đức Minh, chuyên viên Ban An toàn, chất lượng và an ninh - Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đi cùng bác ruột là kiều bào Thụy Sĩ, phàn nàn: “Trong suốt hành trình, khách nội địa, kiều bào tự trò chuyện với nhau, vì HDV không hé răng giới thiệu nửa lời về danh thắng Hương Sơn”! Cô nhân viên khách sạn Ishicho (Kyoto - Nhật Bản) Toshiko Tachibana buồn thiu giở sách hướng dẫn du lịch ra đọc.
13h khách mới được ăn trưa với thực đơn đạm bạc. Anh Minh tặc lưỡi: “Tiền nào của nấy”! Ăn xong, khách vẫn phải ngồi “chầu rìa” thêm nửa tiếng chờ HDV đi mua vé cáp treo.
Ba kiều bào ở California, Mỹ đi cùng đoàn thắc mắc: “Chúng tôi mua tour của một văn phòng Sinh cafe tại khu phố cũ, vì đây thương hiệu được nhiều kiều bào Mỹ biết tới. Không hiểu sao lại ngồi xe của Queen travel”?
Trước đó, giữa năm 2010, vợ chồng chị H.L mua tour trọn gói Hà Nội - Nha Trang 4 ngày của văn phòng Sinh Cafe - số 5 Lương Văn Can. Nhưng suốt hành trình, khách liên tục phẫn nộ vì bị lừa đảo thô thiển. Hai vợ chồng về Hà Nội khiếu nại còn bị nhân viên du lịch văng tục! Cả hai đành gửi thông tin cho báo chí, hòng cảnh báo cho du khách khác.
Bao giờ dẹp “loạn”?
Giám đốc Trung tâm lữ hành - công ty dịch vụ du lịch Hà Nội, Trịnh Minh Tú, than: gần 10 năm nay, thương hiệu Sinh cafe ngày càng mất uy tín vì bị giả mạo tràn lan. Trong khu phố cũ đang có khoảng 100 văn phòng treo biển mạo danh thương hiệu, khiến hiệu quả kinh doanh của “khổ chủ” sụt giảm sút nặng nề.
“Ngay từ khi mới xuất hiện nạn giả mạo, chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn phản ánh tới cơ quan chức năng, song rất khó xử lý dứt điểm”. Tối 22/2, chúng tôi còn thấy chính website tiếng Anh của Tổng cục Du lịch đăng quảng cáo biểu tượng của Sinh cafe, “click” vào lại hiện ra website của một công ty lữ hành mạo danh thương hiệu và biểu tượng của Sinh cafe (!?) Không riêng Sinh café, một số khách sạn uy tín trong khu phố cũ cũng bị treo biển nhái tên!
Ông Lã Xuân Hiển, Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty CP Du lịch Việt Nam TP.HCM, bực bội: “Nhiều đơn vị lữ hành ở phố cũ đua nhau phá giá, giảm chất lượng dịch vụ..., làm méo mó sản phẩm du lịch Việt Nam trong mắt khách quốc tế”! Ông Đào Lê Trung đánh giá, dường như không ít công ty chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, cũng chẳng sợ ai! Họ thuê khá nhiều HDV là sinh viên ngoại ngữ (chưa có thẻ hành nghề) đi hướng dẫn khách quốc tế, nhằm giảm chi phí.
“Cơ quan chức năng cần xử lý triệt để kinh doanh lữ hành “chui” tại khu phố cũ. Đồng thời khuyến cáo trên website khu vực này có nhiều đơn vị lữ hành hoạt động trái phép, cho khách du lịch biết”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo Hoàng Hưng
Đất Việt