Làm giàu ở xứ nghèo
Đăng ngày: 12/1/12Hòa Tân là xã nghèo của huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có hơn 50% dân số là người Khmer, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là độc canh canh lúa, nên tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2006 còn đến 23,3%.

Nhận ra tiềm năng kinh tế sẽ rộng mở của cây dừa sáp, năm 2008, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các ngành các cấp tiếp tục mở rộng đầu tư dự án trồng chuyên canh 100ha dừa sáp, tương đương 18 nghìn cây dừa tại xã Hòa An. Các Tổ TK&VV của xã đã bình bầu công khai cho hàng trăm hộ dân Khmer nghèo vay vốn GQVL của NHCSXH huyện Cầu Kè, bình quân 30 triệu đồng/hộ để phát triển vườn dừa gia đình.
Vào mùa xuân này về Hòa Tân, chuyện trồng, chăm sóc, gìn giữ thâm canh vườn dừa sáp đã trở thành câu chuyện thời sự trong buổi tiệc, lúc uống trà hàn huyên. Sau 4 năm trồng dừa sáp, nay đã có nhiều hộ thu hoạch và thoát nghèo, trở nên khấm khá. Ông Thạch Em ở ấp Chông Na, hộ khá thành công trong việc trồng dừa sáp, cho biết: "Tôi đã sử dụng 30 triệu đồng vay của NHCSXH đầu tư trồng 400 gốc dừa sáp xen canh với chanh không hạt trên diện tích 9 công vườn. Sau 2 năm cả hai loại cây trồng này ra trái cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cây lúa. Tết năm nay, gia đình tôi thu nhập từ vườn dừa hơn 50 triệu đồng. Vậy là cả nhà thoát cảnh nghèo khó và còn trả hết nợ vay ngân hàng đúng kỳ hạn đấy".
Theo nhiều người dân xã Hòa Tân thì cây dừa sáp nơi đây đang trở thành cây "triệu phú", bởi một trái dừa thường bán từ 7 nghìn đến 10 nghìn đồng nhưng dừa sáp bán được từ 130 nghìn - 200 nghìn đồng/trái, cao gấp gần 20 lần so với loại dừa thường.
Nhờ dự án đầu tư vốn NHCSXH mà thương hiệu dừa sáp trở thành đặc sản của vùng đất Cầu Kè, Trà Vinh. Đến nay, toàn huyện Cầu Kè đạt tổng dư nợ với NHCSXH là 171 tỷ đồng, trong đó: đã ưu tiên vốn phát triển vùng chuyên canh dừa sáp với 48 nghìn cây, riêng xã Hòa Tân có gần 19 nghìn cây. Với hiệu quả ứng dụng KHKT, và sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, tỷ lệ dừa cho trái sáp đang đạt từ 40 - 50%, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Dừa sáp có trái quanh năm nên đời sống của người dân Khmer đã thoát nghèo, ổn định.
Đầu tư vốn NHCSXH để chuyển dịch từ vườn dừa thường sang trồng dừa sáp là bước đi đúng đắn, không chỉ được nông dân xã Hòa Tân mà các xã của Cầu Kè cũng thuận tình để tạo ra sản phẩm độc đáo, góp phần mang lại đời sống no ấm cho xứ sở vốn nghèo lâu nay.
Hồ Thiện