Kinh tế châu Á vẫn đứng vững
Đăng ngày: 14/2/12Báo cáo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về triển vọng châu Á đánh giá: tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á sẽ tăng chậm lại do sự giảm sút nhu cầu từ bên ngoài và cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu vẫn có thể làm tổn thương khu vực này.
Ông Anoop Singh, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF nhận định: Sự suy giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ châu Á sẽ khiến cho tăng trưởng trong khu vực giảm sút; tuy nhiên, các nền kinh tế châu Á vẫn đứng vững bởi nhu cầu trong nước tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
Theo IMF, sự phát triển của châu Á phụ thuộc nhiều vào thương mại và, mặc dù cho đến nay, khu vực này đã ban hành các chính sách để chống lại những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ euro, Ông Singh đã cảnh báo rằng sự suy giảm hơn nữa của thị trường tài chính toàn cầu có thể gây hiệu ứng tiêu cực đối với phát triển kinh tế châu Á.
IMF dự đoán tăng trưởng ở châu Á đạt gần 6% trong năm nay và sau đó dần khôi phục lại khoảng 6,5% vào năm 2013. Trong đó, IMF hy vọng các nước đang phát triển khu vực châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7,3% trong năm nay (thấp hơn so với dự đoán ban đầu là 8%) mặc dù Trung Quốc được cho là vẫn duy trì sức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 8,2% trong năm 2012.
Trong bài phát biểu trả lời phỏng vấn báo chí, ông Singh cho biết trong trường hợp kinh tế toàn cầu suy giảm hơn nữa thì hầu hết các nước tại khu vực Châu Á vẫn còn “room” cho những chính sách mạnh mẽ. Cụ thể:
Trung Quốc và các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu có thể áp dụng những chính sách tài chính linh hoạt hơn, trong khi ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể thúc đẩy việc mua tài sản của mình. Ông Singh nói thêm rằng những nỗ lực nhằm tái cân bằng nền kinh tế đang tiếp tục được thực hiện để cắt giảm thặng dư bên ngoài, qua đó giảm bớt được rủi ro và hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Singh cũng cho rằng: "Tái cân bằng kinh tế và tăng cường các nguồn tăng trưởng nội địa tiếp tục là chính sách ưu tiên hàng đầu của các nước châu Á. Ở một số nước điều này có thể liên quan đến cải cách để thúc đẩy tiêu dùng bằng cách xây dựng mạng lưới an sinh xã hội và tự do hóa hệ thống tài chính, trong khi ở những nước khác cần có sự cải thiện các điều kiện cho đầu tư tư nhân, giải quyết tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, tăng cường quản trị và cung cấp dịch vụ công”.
Ông Singh lưu ý rằng năm nay là một năm quan trọng đối với IMF tại Châu Á. IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ tổ chức cuộc họp thường niên tại Tokyo vào tháng 10 năm nay. Ông Singh cho biết sự lựa chọn địa điểm tổ chức họp lần này phản ánh vai trò quan trọng của Nhật Bản và Châu Á trong nền kinh tế thế giới, cũng như mối quan hệ đối tác phát triển và xây dựng của IMF với khu vực này.
Từ Khóa: Châu Á, Phát Biểu, Phỏng Vấn, Báo Chí, Toàn Cầu, Sụt Giảm, Khu Vực,