Khởi sắc một vùng quê
Đăng ngày: 29/2/12Sơn Thái là xã miền núi cao của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) với người dân tộc Raglai chiếm hơn 88% và diện tích đất tự nhiên là 11.580ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp chỉ có khoảng hơn 2.000ha.

Thông qua số vốn vay của Nhà nước lên đến 11,4 tỷ đồng, xã Sơn Thái đã xây dựng được 41 Tổ TK&VV với 977 hộ nghèo là người Raglai vay vốn và sử dụng vốn vay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mây tre đan ở nông thôn. Cũng nhờ vay vốn thuận lợi, kịp thời vụ nên thời gian qua toàn xã sản xuất được 47ha lúa nước, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha, gieo trồng 380ha bắp lai, năng suất 50 tạ/ha; phát triển đại gia súc hơn 1 nghìn con. Đến nay, Sơn Thái đã tự túc được lương thực tại chỗ, không đợi chờ sự cấp phát của Nhà nước như trước đây.
Công nhận mấy năm gần đây, vùng quê Sơn Thái của người Raglai đã được Nhà nước ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn vay đến mức vốn vay đều tăng đáng kể. Hầu hết các hộ vay vốn là đồng bào DTTS đã biết cách sử dụng vốn vay kết hợp với áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Đơn cử như hộ gia đình chị Cao Thị Láng ở thôn Cầu Bà đã dùng 10 triệu đồng vay của NHCSXH từ giữa năm 2007 đầu tư vào gieo cấy 3 sào lúa nước và chăn nuôi. Sau 1 năm, trừ chi phí, chị Láng thu được 18 triệu đồng lãi từ đàn lợn và cặp bò sinh sản. Nhân đà thắng lợi đó, chị mạnh dạn vay thêm vốn ưu đãi của chương trình hộ gia đình SXKDVKK 30 triệu đồng, để khai hoang mở đất trồng hồ tiêu và kết hợp nuôi bò lai sind. Chả mấy chốc, kinh tế gia đình khấm khá, trở thành hộ giàu. Năm 2010, chị Láng đã xây được nhà ở kiên cố và lo đầy đủ cho 2 người ăn học đại học ngoài thành phố.
Cũng như chị Láng, gia đình ông Cao Văn Mừng ở thôn Cầu Gối, xã Sơn Thái mới ngày nào hoàn cảnh cũng rất khó khăn, nhà có đất rộng và bãi cỏ chăn thả trâu bò nhưng lại không có vốn liếng. Được Hội CCB giúp đỡ, ông Mừng đã vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện Khánh Vĩnh đầu tư vào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, cao su, đồng thời tận dụng bãi chăn thả để nuôi bò lai sind.
Được số tiền vay ưu đãi làm "bà đỡ mát tay", gia đình ông đã ăn nên làm ra, phát triển kinh tế trang trại với 3 nghìn cây cam đặc sản, vườn cao su tiểu điền cùng đàn bò lai sind 15 con. Ông Mừng cho biết: "Trong sản xuất, đồng bào dân tộc nơi vùng xa, vùng sâu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn liếng. Vậy nhưng mấy năm qua nhờ NHCSXH ra đời, làm động lực giúp đỡ chúng tôi, cho vay vốn ưu đãi để vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống".
Hiện tại trên vùng cao Sơn Thái có rất nhiều hộ nghèo người Raglai khác như gia đình chị Láng, ông Mừng được Nhà nước hỗ trợ tiền vốn kịp thời đầu tư sản xuất làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Giám đốc NHCSXH huyện Khánh Vĩnh cho hay: Năm nay, tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện cho vay tăng trưởng nguồn vốn gắn với công tác khuyến nông, ngư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào đồng ruộng nhằm nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần cho vùng dân tộc - miền núi; mặt khác, coi trọng việc củng cố hoạt động của các Tổ TK&VV và các tổ chức chính trị - xã hội làm nhiệm vụ ủy thác của NHCSXH trong việc cho vay hộ nghèo các các đối tượng chính sách, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.