Hội ND Việt Nam với công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
Đăng ngày: 3/2/12Là một trong 04 tổ chức hội, đoàn thể được NHCSXH ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, những năm qua các cấp Hội ND Việt Nam đã tổ chức thực hiện khá tốt 6 nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Dư nợ cho vay của NHCSXH qua các Tổ TK&VV do Hội ND quản lý tăng bình quân trên 20%/năm, tỷ lệ thu nợ, thu lãi đạt chỉ tiêu đề ra, nợ quá hạn thấp hơn tỷ lệ cho phép, việc huy động tiết kiệm tự nguyện của người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt được kết quả khả quan, nhiều hộ nghèo được hội hướng dẫn đã sử dụng vốn vay hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đồng đều. Ở một số địa phương hội mới quan tâm nhiều đến việc tăng dư nợ mà chưa thực hiện toàn diện, đầy đủ cả 6 công đoạn trong quy trình cho vay. Trong đó, đáng chú ý là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi chưa kịp thời; việc bố trí cán bộ hội phụ trách, theo dõi chương trình chưa ổn định; công tác kiểm tra, giám sát của hội cấp trên đối với hội cấp dưới, với Tổ TK&VV và hộ vay vốn còn hình thức, chưa sâu sát. Vì vậy, ở khá nhiều cơ sở hội việc chỉ đạo, duy trì sinh hoạt, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV chưa được quan tâm đúng mức; công tác bình xét cho vay còn nể nang, bình quân; việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn chưa thường xuyên; một số nơi để xảy ra tình trạng cán bộ hội, cán bộ Tổ TK&VV chiếm dụng, xâm tiêu tiền của NHCSXH nhưng phát hiện chậm, chưa có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, bước vào năm 2011, Trung ương Hội ND Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ủy thác, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ASXH theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Vì vậy, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Ban thường vụ Trung ương Hội ND Việt Nam đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí thường trực, Ủy viên Ban thường vụ phụ trách, theo dõi các khu vực, các đồng chí lãnh đạo các ban, đơn vị và nhất là Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương là đơn vị được giao trực tiếp theo dõi, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác. Trong năm 2011, Trung ương hội đã tổ chức kiểm tra 36 lượt Hội ND cấp tỉnh, 45 lượt Hội ND cấp huyện, 67 lượt Hội ND cấp xã, 82 lượt Tổ TK&VV và gần 100 lượt hộ vay. Ngoài ra, còn phân công cán bộ tham gia các cuộc kiểm tra liên ngành do NHCSXH tổ chức, tham gia đoàn kiểm tra, giám sát của thành viên HĐQT NHCSXH ở 6 tỉnh, thành phố. Công tác, thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cán bộ hội các cấp về nghiệp vụ ủy thác được tăng cường hơn, trong năm Trung ương hội đã biên tập, in ấn và phát hành trên 3 nghìn bản tài liệu hướng dẫn quy trình kiểm tra, giám sát; tổ chức 12 lớp tập huấn cho trên 1.800 cán bộ Hội ND cấp tỉnh, huyện và cơ sở ở 12 tỉnh, thành phố.
Đối với các địa phương, căn cứ sự chỉ đạo của Trung ương hội và nội dung nhận ủy thác đã ký với NHCSXH cùng cấp, các cấp Hội ND đã có nhiều biện pháp cụ thể để khắc phục những khâu công việc còn yếu. Trong đó, chú trọng việc bố trí, phân công cán bộ hội phụ trách, theo dõi và giữ mối quan hệ thường xuyên với NHCSXH cùng cấp. Đối với cấp tỉnh, huyện, các đồng chí lãnh đạo hội tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác nhận ủy thác của hội và bố trí từ 01 - 02 cán bộ chuyên trách theo dõi chương trình. Đối với cấp cơ sở, đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội ND trực tiếp chỉ đạo, theo dõi. Đến nay 63 Hội ND cấp tỉnh; 664 Hội ND cấp huyện và 9.158 Hội ND cấp cơ sở đã tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Công tác, kiểm tra, giám sát ở tất cả các địa phương đều được quan tâm hơn những năm trước, 100% tỉnh, thành hội đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát trọng tâm là hoạt động của các Tổ TK&VV. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời củng cố các tổ còn yếu kém, đồng thời hướng dẫn các tổ thực hiện đầy đủ nội dung trong hợp đồng ủy nhiệm đã ký với Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bình xét cho vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ đúng đối tượng thụ hưởng; hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ đúng hạn và tự nguyện tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ TK&VV.
Trong năm 2011, các cấp hội địa phương đã tổ chức 90.064 cuộc kiểm tra, trong đó kiểm tra 964 lượt Hội ND cấp huyện, 11.100 lượt Hội ND cấp xã, 78.050 lượt Tổ TK&VV. Một số tỉnh, thành hội chủ động phối hợp với NHCSXH tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành và đôn đốc thu hồi nợ đạt kết quả tốt như Phú Thọ, Lào Cai, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ Tổ TK&VV, tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn người vay sử dụng vốn đã được các địa phương quan tâm hơn.
Đến nay, Hội ND Việt Nam đang quản lý 70.233 Tổ TK&VV, trong đó số tổ hoạt động tốt chiếm 65%, tổ hoạt động khá chiếm 25%, tổ trung bình chiếm 8%, tổ hoạt động yếu còn 2%. Tổng số thành viên tham gia Tổ TK&VV còn dư nợ là 2.398 nghìn hộ, với tổng số tiền là 34.428 tỷ đồng (tăng so với năm 2010 là 4.200 tỷ đồng) của 13 chương trình tín dụng ưu đãi. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 13.444 tỷ đồng; chương trình cho vay HSSV thông qua hộ gia đình 11.075 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn là 3.624 tỷ đồng; chương trình cho vay NS&VSMTNT 2.852 tỷ đồng… Tỷ lệ thu lãi hàng tháng thông qua các Tổ TK&VV đạt từ 93% đến 95%. Có trên 85% số tổ đã triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên, với mức gửi tiết kiệm phổ biến từ 10 nghìn đồng - 50 nghìn đồng/thành viên/tháng.
Nhìn chung, năm 2011 công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Hội ND Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục hiệu quả. Đó là, tỷ lệ nợ quá hạn giảm chậm, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; công tác kiểm tra, giám sát đã được tăng cường nhưng còn nặng về hình thức, nội dung kiểm tra chưa toàn diện; một bộ phận cán bộ hội, cán bộ Tổ TK&VV còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, ý thức, trách nhiệm chưa cao; việc xử lý tình trạng cán bộ hội, cán bộ tổ chiếm dụng, xâm tiêu tiền của NHCSXH còn nhiều lúng túng.
Từ những kết quả đạt được cũng như những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Hội ND Việt Nam trong những năm qua và năm 2011, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Phải có sự chỉ đạo đồng bộ, thường xuyên, sâu sát của Ban thường vụ Hội ND các cấp từ Trung ương đến địa phương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo, của đơn vị và cán bộ được phân công trực tiếp phụ trách, theo dõi, tổ chức thực hiện chương trình của mỗi cấp hội. Ngoài ra, đối với Hội ND cấp cơ sở cần phải bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp tốt với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác khác ở địa phương trong suốt quá trình tổ chức thực hiện.
Cần có sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa Hội ND với NHCSXH ở các cấp thông qua việc duy trì chế độ giao ban định kỳ (tháng, quý), chế độ thông tin, báo cáo; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của hội cấp trên đối với hội cấp dưới, với Tổ TK&VV và hộ vay. Coi trọng các cuộc kiểm tra liên ngành. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát.
Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, trong đó chú trọng lựa chọn đội ngũ cán bộ tổ có đủ trình độ, năng lực, sức khỏe, nhiệt tình, trách nhiệm.
Làm tốt công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách cho cán bộ, hội viên nông dân nói chung, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nói riêng. Trong đó, coi trọng việc tuyên truyền trực tiếp và thông qua các điển hình, mô hình.
Nguyễn Thị Má