Hòa Phú mở mang ngành nghề
Đăng ngày: 8/11/12Là một xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của huyện Tuy Phong (Bình Thuận), Hoà Phú được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ vốn ưu đãi phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Thông qua hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi, xã Hòa Phú đã xây dựng được 44 Tổ TK&VV với dư nợ ngót 20 tỷ đồng. Gia đình ông Triệu Quốc Phùng, dân tộc K.Ho ở thôn Hòa Mỹ vốn nghèo khó, nhà ở tạm bợ, dột nát, nhưng từ năm 2007 đến nay, đã 3 lần được vay vốn ưu đãi nên đã nuôi được bò sinh sản, thâm canh vườn cây thanh long, thoát cảnh nghèo khổ, vừa trả hết nợ vay ngân hàng, vừa làm được nhà ở kiên cố, còn tích luỹ có của ăn của để.
Cùng ở thôn Hòa Mỹ, gia đình bà Triệu Thị Vĩnh tuy đất đai sản xuất ít nhưng nhờ vốn vay ưu đãi, bà đầu tư mở lò làm bún và bánh tráng. Chỉ sau 3 năm, làm ăn phát đạt, bà Vĩnh trả xong nợ vay, đồng thời vay tiếp vốn mở rộng cơ sở sản xuất, thu hút thêm lao động. Phế thải từ sản xuất bún, bánh được dùng nuôi heo. Mỗi năm bà cho xuất chuồng gần 5 tấn thịt heo thương phẩm và tạo việc làm ổn định cho 8 lao động địa phương.
Ông Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Hòa Mỹ, Ngô Văn Tiếp cho hay: "Nhờ có vốn vay, nhiều hộ dân đã đầu tư mở mang ngành ghề, thoát được nghèo, vươn lên khá giả".
Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, Bùi Thế Vân cũng đánh giá: "NHCSXH làm động lực chính giúp nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc xã Hòa Phú chúng tôi đạt danh hiệu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở nhiều cấp tỉnh".
Đúng vậy, từ khi nguồn vốn chính sách được triển khai đến tận vùng miền núi, dân tộc xa xôi, thì cảnh vay nóng, vay ngoài với lãi suất cao không còn xảy ra và bà con đã yên tâm định cư chăm lo công việc sản xuất, khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, xây dựng đời sống mới hạnh phúc hơn.