Hiệu quả hoạt động ủy thác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Đăng ngày: 6/12/12Sau 10 năm thực hiện hoạt động ủy thác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội PN tỉnh Lào Cai đã thực hiện ủy thác ở gần 80% số xã với hơn 25 nghìn hộ vay, tổng dư nợ là gần 500 tỷ đồng, giúp trên 12 nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai, ngày 18/8/2003 Hội PN và NHCSXH tỉnh đã ký hợp đồng ủy thác về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Sau 10 năm thực hiện, Hội PN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH; cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cung cấp một khối lượng vốn lớn tới phụ nữ nghèo, tạo điều kiện cho chị em đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh.
Với các biện pháp chỉ đạo tích cực, chủ động và cụ thể, hoạt động uỷ thác đã đi vào nề nếp và ngày càng hiệu quả, được các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng tích cực. Từ sự chỉ đạo chặt chẽ của hội, có thể khẳng định hoạt động uỷ thác qua tổ chức Hội PN trong những năm qua đã phát triển cả quy mô lẫn chất lượng uỷ thác; trên 90% hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trả vốn, lãi đúng kỳ hạn. Thời gian đầu, hoạt động uỷ thác chỉ có ở 27 thôn/bản của 21 xã/phường thuộc 8 huyện với tổng số vốn là 10,637 tỷ đồng; sau 10 năm thực hiện, Hội PN tỉnh Lào Cai đã thực hiện triển khai mở rộng ủy thác ở 676 thôn/bản; 131 xã, thị trấn thuộc 9 huyện/thành phố. Doanh số cho vay và đối tượng vay không ngừng được tăng lên với tổng dư nợ đạt là gần 500 tỷ đồng, chiếm 46,7% tổng dư nợ các hội, đoàn thể; số phụ nữ nghèo được vay vốn tăng 21,5 nghìn người. Tỷ lệ nợ quá hạn hàng năm đều giảm, đến nay chỉ còn 0,3%. Một số huyện có tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ổn định ở mức thấp như huyện Bảo Yên 0,01%; Văn Bàn 0,04%; Bảo Thắng 0,15%...
Để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, các cấp Hội PN trong tỉnh đã phối hợp với NHCSXH tổ chức được 512 lớp tập huấn nghiệp vụ uỷ thác cho gần 25 nghìn lượt cán bộ Ban quản lý Tổ TK&VV, cán bộ Hội PN cơ sở. Ngoài ra, hội còn ký kết chương trình phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 1.208 lớp tập huấn chuyển giao KHKT chăn nuôi, trồng trọt cho gần 26 nghìn lượt chị em phụ nữ vay vốn... Bên cạnh đó, các cấp hội còn đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng tín dụng. Qua đánh giá, xếp loại, số tổ hoạt động tốt, khá đạt 86,7% tiêu biểu là Hội PN xã Xuân Giao, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng; xã Lương Sơn, xã Long Khánh, huyện Bảo Yên; phường Bình Minh, TP. Lào Cai...
Không chỉ tập trung vào các hoạt động trên, các cấp Hội PN còn thường xuyên nắm bắt, thống kê, phân loại hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tìm hiểu nguyên nhân nghèo đói của từng hộ, từ đó xây dựng kế hoạch phân công các chi/tổ phụ nữ có biện pháp giúp đỡ phù hợp, ưu tiên những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Cách làm này vừa đảm bảo vốn đến đúng đối tượng, vừa đảm bảo tính công khai minh bạch, dân chủ bàn bạc, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Tổ TK&VV, tăng cường sự cam kết của người vay vốn với các thành viên trong tổ.
Nhờ có các biện pháp đồng bộ của các cấp Hội PN tỉnh Lào Cai, cùng với tính cần cù chịu khó, tiết kiệm, sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả, hơn 12 nghìn chị em phụ nữ đã thoát nghèo, nhiều chị em còn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như chị Thào Thị Tao ở thôn Ý Lình Hồ, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa; chị Tẩn Muổng Trình, thôn Bản Pho, xã bản Qua, huyện Bát Xát; chị Triệu Thị Tặng, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn; chị Hoàng Thị Hương, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương...
Với những kết quả đáng trân trọng trên, trong thời gian tới, Hội PN tỉnh Lào Cai quyết tâm duy trì và phát huy những thành quả đó, đặc biệt quan tâm củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; nâng cao chất lượng kiểm tra - tự kiểm tra, giám sát đi đôi với việc triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Kim Oanh