Hà Nội dư nợ tín dụng chiếm 25% tổng dư nợ toàn quốc
Đăng ngày: 2/4/13Ngày 29/3/2013, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại diện doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tham dự họp có các ông Phạm Quang Nghị-Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo-Ủy viên BCH Trung ương Đảng-Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Bình-Ủy viên BCH Trung ương Đảng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP Hà Nội, đến cuối tháng 2/2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD Hà Nội đạt 857.473 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 616.600 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng của Ngành cho nền kinh tế. Hai tháng đầu năm 2013, lãi suất cho vay của các TCTD có xu hướng giảm khoảng 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2012. Ngân hàng CSXH Hà Nội triển khai 10 chương trình tín dụng hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố. Các ngân hàng trên địa bàn cũng đã luôn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Trong 5 năm trở lại đây, các ngân hàng đã tài trợ ASXH cho các đối tượng chính sách trên địa bàn Hà Nội 570,540 tỷ đồng. Năm 2013, các NHTM dự định sẽ tiếp tục tài trợ ASXH cho các đối tượng chính sách của Hà Nội trên 100 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đào thành phố đã đánh giá cao việc NHNN chi nhánh TP Hà Nội và các TCTD trên địa bàn đã bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy và chính quyền Thành phố, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; đồng thời cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Thống đốc NHNN đối với các TCTD trên địa bàn, cũng như việc quan tâm của NHNN đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Lãnh đạo Thành phố cũng nêu rõ một số vấn đề đang đặt ra từ hoạt động ngân hàng trên địa bàn như: Mặc dù ngân hàng-doanh nghiệp đã có sự chia sẻ, kết nối nhưng bản thân các TCTD cũng cần phải cố gắng hơn nữa, đưa ra nhiều giải pháp để khơi thông nguồn tín dụng, hỗ trợ/tư vấn cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; Lãi suất tuy đã giảm mạnh những vẫn còn cao so với mong muốn của doanh nghiệp; Thủ tục và điều kiện vay vốn còn những ràng buộc về chất lượng tín dụng khiến một số doanh nghiệp thấy khó khăn khi tiếp cận vốn; Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao, các giải pháp xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn; Tình hình quản trị rủi ro tại một số tổ chức tín dụng cần được tiếp tục cải thiện...
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị các đại biểu doanh nghiệp và NHTM nói rõ, thẳng thắn những vấn đề làm được, chưa làm được, và cả những vấn đề không thể làm được để các cấp lãnh đạo Thành phố, ngành, các cơ quan liên quan nắm được.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lần lượt trả lời các vấn đề mà doanh nghiệp và lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã đặt ra:
Về đề nghị giảm lãi suất, Thống đốc khẳng định đây là mong muốn của NHNN, là một trong những mục tiêu mà NHNN đã cố gắng thực hiện trong thời gian qua. Từ năm 2005 đến 2010, tăng trưởng tín dụng hàng năm rất cao ở mức khoảng 33,4%/năm. Tín dụng tăng, lãi suất cứ tăng, tỷ lệ lạm phát tăng. Năm 2007, mặt bằng lãi suất rất cao nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức 53%. Tình trạng đó trong bối cảnh kinh tế thế giới bình thường thì chưa bộ lộ các vấn đề khó khăn. Từ 2008 trở lại đây, kinh tế toàn cầu khó khăn, những hệ lụy của tăng trưởng tín dụng cao mới bộc lộ rõ. Từ 2011 đến nay, Chính phủ kiên quyết xử lý những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Tuy có tác động, nhưng đã đạt được những kết quả làm tiền đề cho năm 2013 như kiềm chế được lạm phát, từ đó mới có điều kiện hạ dần lãi suất. Muốn lãi suất hạ tiếp phải quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, kéo thấp lạm phát, trên cơ sở đó mới có điều kiện hạ tiếp lãi suất.
Qua các dự báo và phân tích của NHNN thấy có nhiều tiền đề kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm 2013, nhưng những yếu tố làm tăng CPI vẫn còn. Hiện tại lãi suất huy động VND dưới 12 tháng chỉ còn 7,5%/năm. Mục tiêu là cần hạ tiếp lãi suất cho vay. Hiện nay, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ còn 11%/năm. NHNN đang chỉ đạo và có các biện pháp chính sách để cố gắng phấn đấu giảm lãi suất cho vay VND về mức quanh 10%/năm. Phấn đấu đưa lãi suất các khoản cho vay cũ về mức dưới 13%/năm. Các NHTM trên cơ sở năng lực tài chính của mình có thể hạ lãi suất hơn nữa.
Về tháo gỡ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: Thống đốc đánh giá cao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của NHTM đối với DNVVN trên địa bàn Hà Nội, nhưng nên thẳng thắn nhìn nhận vấn đề. Do đặc thù của mình, nhiều DNNVV cần phải có tài sản thế chấp, bảo lãnh thì các NHTM mới cho vay vốn (vì NH cũng cần đảm bảo khả năng thu hồi vốn). Điều cần thiết là phải có tổ chức đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp. Ngân hàng Phát triển đứng ra bảo lãnh nhưng thời gian vừa qua còn ít. Cơ chế bảo lãnh phải xuất phát từ cơ chế tài khóa không phải từ ngân hàng. NHNN đang làm việc với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ vấn đề bảo lãnh cho doanh nghiệp. Hiện nay, có tình trạng DN giải thể thì nhiều, nhưng rất ít DN được tuyên bố là phá sản. Bản thân các NHTM rất khó khăn khi phát mại tài sản, nhiều vụ mất 3-7 năm mới xử lý được tài sản thế chấp, cá biệt có những vụ kéo 10-15 năm chưa giải quyết được nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn vốn cho vay.
Về kiến nghị xem xét điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định NHNN không cố gắng giữ tỷ giá cố định, nhưng Việt Nam nhập khẩu (chủ yếu nguyên liệu) nhiều hơn xuất khẩu nên chính sách tỷ giá phải hết sức thận trọng, phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế. Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, NHNN không can thiệp vào tỷ giá, chỉ đưa ra tỷ giá trung tâm, tự thị trường điều tiết. NHNN chỉ mua vào để ổn định giá sàn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu NHNN không mua vào hàng tỷ đô la Mỹ thì tỷ giá sẽ còn giảm nữa, đó chính là giải pháp NHNN hỗ trợ tỷ giá thời gian qua. Xuất khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm đang khả quan. Tỷ giá sẽ ổn định (không phải là cố định) trong tầm kiểm soát của NHNN.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Điều cần thiết là phải tạo ra niềm tin vĩ mô. Chính sách vĩ mô phải đúng đắn, dẫn dắt thị trường. Về vi mô thì các NHTM phải hết sức sát sao doanh nghiệp. Trên thực tế, NHTM và doanh nghiệp tuy hai mà là một trong mối quan hệ song hành, vì vậy, phải gắn bó với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Quan hệ ngân hàng-doanh nghiệp tốt thì kinh tế mới phát triển bền vững.
Từ Khóa: TB, LS, Ngân Hàng, Kinh Tế, Xã Hội, Tích Cực, Thống Đốc,