GPBank đi về đâu?
Đăng ngày: 05/04/2015Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua lại toàn bộ cổ phần của 2 NHTM là NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và NHTMCP Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng. Và một cái tên nữa cũng đã được NHNN nhắc đến trong danh sách có thể mua lại với giá 0 đồng là GPBank.
Đầu tháng 2-2015, NHNN đã gây bất ngờ khi thông báo mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Theo NHNN, hoạt động của VNBC đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành NH vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của NH, NHNN đã quyết định đặt VNBC vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật. Trong khi đó VNBC không có các giải pháp tái cơ cấu khả thi theo yêu cầu của NHNN, nên NHNN đã mua lại để triển khai phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.
2 tháng sau khi mua VNBC, NHNN tiếp tục thông báo mua lại toàn bộ cổ phần của OceanBank trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Nguyên nhân mua lại OceanBank, cũng tương tự VNBC. Như vậy, trong một thời gian ngắn, hệ thống NHTM đã có đến 2 NHTM không đảm bảo được mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN và NHNN buộc phải mua lại để tái cơ cấu.
Sau 2 NH trên, hiện NHTMCP Dầu khí (GPBank) là 1 trong 9 NH yếu kém được NHNN đưa vào danh sách tái cấu trúc đợt đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi 8 NHTM đã tái cấu trúc thành công thì phương án tái cơ cấu của GPBank vẫn chưa triển khai được.
Năm 2014 bắt đầu rộ lên thông tin Tập đoàn United Oversea Bank (UOB) của Singapore đã được NHNN cho phép tiếp cận để nắm bắt tình hình sức khỏe của GPBank trước khi thảo luận về giá cả và khâu đàm phán đã cơ bản hoàn tất. Thời điểm đó, nhiều nhận định cho rằng xác suất thành công của thương vụ mua bán này rất cao, nhất là khi Nghị định 01/2014/NĐ - CP của Chính phủ được ban hành có quy định: “Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vượt quá giới hạn 20% với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hay 30% với tổng room cho các nhà đầu tư ngoại đối với từng trường hợp cụ thể”.
Đến đầu năm 2015, NHNN chính thức thông báo thương vụ UOB mua lại GPBank không thành công do các bên không đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề, chủ yếu là vấn đề tài chính.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Hiện tại lãnh đạo GPBank cho biết, NH này vẫn đang quyết liệt tái cơ cấu và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, khắc phục được một số khó khăn, giữ vững ổn định và ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng. Đồng thời, GPBank cũng đã được nhiều đối tác trong và ngoài nước tiếp cận và quyết định đầu tư, phía NH đã lựa chọn được những đối tác trong nước, đủ năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị điều hành để tiến hành tái cơ cấu.
Hiện nay, thông tin về hoạt động của GPBank cũng không nhiều, các kết quả kinh doanh không được thông báo đại chúng. Thông tin duy nhất về hoạt động kinh doanh của NH này là báo cáo thường niên năm 2010 được đăng tải trên webiste NH. Từ đầu năm đến nay, tên GPBank cũng được NHNN nhắc đến nhiều khi nói về khả năng sẽ xử lý thêm một số NH.
Theo saigondautu.com.vn