Góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho thanh niên
Đăng ngày: 3/2/12Cùng với Hội PN, Hội ND và Hội CCB Việt Nam, gần 10 năm qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai và thực hiện tốt các nội dung ủy thác cùng NHCSXH thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần XĐGN, tạo điều kiện giúp thanh niên học tập, học nghề và tạo việc làm.
Mặc dù triển khai chậm hơn các hội, đoàn thể khác, cán bộ đoàn cơ sở biến động nhiều, song với sự quyết tâm chỉ đạo và thực hiện, đến nay đã có gần 21 nghìn Tổ TK&VV do Đoàn TN quản lý, với trên 648 nghìn hộ đang vay vốn và dư nợ trên 9.300 tỷ đồng. Đã có trên 2 triệu thanh niên thuộc hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để học tập, học nghề. Thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm và vốn giúp nhau lập nghiệp, hàng năm đã tạo thêm hàng triệu việc làm cho thanh niên. Một số tỉnh, thành Đoàn nhận ủy thác có số dư nợ cao, chất lượng tín dụng tốt là Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang và TP. Hồ Chí Minh. Các tỉnh miền núi phía Bắc đều có dư nợ cao, chất lượng tín dụng tốt, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh.
Thấy rõ được tầm quan trọng trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo thành công một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cấp bộ đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình cho vay đến các đối tượng. Coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ đoàn cơ sở.
Với quan điểm, mỗi cán bộ đoàn là một tuyên truyền viên giỏi, đội ngũ cán bộ đoàn luôn cập nhật thông tin, được tập huấn nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cán bộ đoàn phải nắm được nội dung chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hiểu được các chương trình cho vay và đối tượng được vay. Thông qua các buổi sinh hoạt, hội thảo, các phương tiện truyền thông của đoàn tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tới thanh niên và nhân dân địa phương.
Muốn chính sách tín dụng được thực hiện có hiệu quả, cần phải coi trọng công tác tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở. Trung ương Đoàn TN tập trung biên soạn, cung cấp tài liệu, mở các lớp tập huấn quản lý chương trình ủy thác cho cán bộ đoàn ở các huyện nghèo, vùng khó khăn có đông hộ nghèo. Đối với các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với chi nhánh NHCSXH mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý nguồn vốn vay cho tất cả cán bộ đoàn cơ sở và Ban quản lý Tổ TK&VV.
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới tận cơ sở, nên hầu hết các đối tượng được thụ hưởng đều được biết và tiếp cận với nguồn vốn vay của NHCSXH. Đặc biệt, người nghèo đều được tư vấn vay vốn hộ nghèo; HSSV gia đình hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn đều được tuyên truyền giúp đỡ vay vốn để học tập.
Thứ hai, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT; đẩy mạnh các phong trào thanh niên phát triển kinh tế; tư vấn, hỗ trợ giúp người vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu XĐGN trong hộ gia đình thanh niên.
Xác định người nghèo rất cần vốn để SXKD, tuy nhiên bản thân họ lại không biết sử dụng nguồn vốn vay sao có hiệu quả. Hàng năm, Đoàn TN đã chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp mở hàng trăm nghìn lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; các lớp học nghề cho hàng triệu thanh niên, xây dựng hàng nghìn mô hình trình diễn thanh niên giảm nghèo với quy mô từ hộ gia đình đến toàn xã, đưa nhiều cây trồng, vật nuôi vào sản xuất. Phổ biến và ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ở các xã nghèo, xã vùng sâu, vùng xa kinh tế chậm phát triển, đoàn tổ chức các đội thanh niên tình nguyện đến giúp đỡ phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động mùa hè xanh, ngày Chủ nhật xanh… đã đưa hàng trăm nghìn thanh niên sinh viên các trường học về các xã nghèo giúp thanh niên và nhân dân địa phương ngày càng có hiệu quả.
Với phong trào 5 xung kích 4 đồng hành với thanh niên; phong trào nghĩa tình biên giới hải đảo; phong trào SXKD giỏi của thanh niên nông thôn, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều hành động giúp thanh niên phát triển kinh tế. Các làng thanh niên lập nghiệp dọc biên giới và dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; các khu kinh tế thanh niên; các hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong đã góp phần giúp đồng bào DTTS gặp khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo.
Thông qua các hoạt động ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ KHKT, người dân mạnh dạn phát triển sản xuất, sử dụng hiệu quả vốn vay, tạo được những sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần XĐGN vươn lên làm giàu, đồng thời trả nợ vốn vay đầy đủ cho Nhà nước.
Thứ ba, thực hiện tốt nội dung 6 công việc đã nhận ủy thác với NHCSXH.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo tất cả các cơ sở đoàn làm thật tốt cả 6 công đoạn. Tuy nhiên, ở từng thời điểm, từng địa bàn xác định những nội dung trọng yếu để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Ở thời kỳ đầu, những địa bàn mới cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập và quản lý hoạt động Tổ TK&VV. Chú trọng xác định đúng đối tượng vay vốn, chỉ đạo Tổ TK&VV họp bình xét cho vay đúng đối tượng, đúng yêu cầu của chương trình. Khi Tổ TK&VV đã đi vào hoạt động ổn định, nề nếp thì cần chú trọng tìm các biện pháp giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả. Hướng dẫn Ban quản lý Tổ TK&VV theo dõi, quản lý người vay, phát hiện kịp thời những vấn đề tồn tại phát sinh để xử lý.
Xác định Tổ TK&VV có tầm quan trọng đặc biệt tới chất lượng tín dụng, Ban chấp hành đoàn cơ sở luôn củng cố và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ và vai trò người Tổ trưởng Tổ TK&VV. Trong đó: Tập trung các hoạt động trao đổi kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; hướng dẫn các tổ viên xây dựng phương hướng SXKD, thực hành tiết kiệm… Với trên 21 nghìn Tổ TK&VV do Đoàn TN quản lý đã có trên 60% tổ hoạt động tốt, 100% thành viên Ban quản lý tổ thường xuyên được tập huấn nâng cao chất lượng công tác quản lý, hướng dẫn người vay làm các thủ tục xử lý các trường hợp rủi ro, chế độ thông tin, báo cáo.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của cơ sở đoàn và Tổ TK&VV. Định kỳ hàng năm phối hợp với NHCSXH kiểm tra ở các địa bàn gặp khó khăn, phối hợp cùng chính quyền xử lý dứt điểm các trường hợp nợ quá hạn, xâm tiêu chiếm dụng vốn. Duy trì các buổi họp giao ban giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể.
Trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình liên tịch giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với NHCSXH, các cơ sở đoàn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như:
Công tác quản lý nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV còn hạn chế. Việc duy trì sinh hoạt tổ chưa thường xuyên, công tác bình xét cho vay còn dàn trải, chưa tập trung vốn cho các gia đình có phương án SXKD tốt. Trong việc xác định đối tượng cho vay có nơi còn nể nang xét cho vay sai đối tượng, một bộ phận hộ nghèo chưa được tư vấn, giúp đỡ để vay vốn xóa nghèo.
Chưa chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc họp, giao ban với NHCSXH, đặc biệt giao ban định kỳ hàng tháng tại xã. Công tác ghi chép, thông tin, báo cáo còn hạn chế.
Tỷ lệ nợ quá hạn còn khá cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng vốn vẫn còn ở một số địa phương. Một số tỉnh số dư quá thấp, ít có chuyển biến sau nhiều năm thực hiện chương trình ủy thác.
Với những kinh nghiệm có được sau nhiều năm tổ chức nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn XĐGN, Đoàn TN đã và đang là người cùng với NHCSXH và các tổ chức hội, đoàn thể khác đưa chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đến với người dân, đặc biệt có ý nghĩa đối với tầng lớp thanh niên. Góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015.
Hà Văn Chung