Góp phần an sinh xã hội
Đăng ngày: 29/2/12Khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, nhiều ruộng đất bị thu hồi để xây dựng kết cấu hạ tầng, người lao động phải loay hoay tìm kiếm việc làm.

Theo Sở Tài nguyên môi trường, bình quân đất sản xuất nông nghiệp ở Lạng Sơn chỉ có 1.000 m2/lao động. Ruộng đất ít, hệ số sử dụng lại rất thấp 1,6 lần; trong khi đó tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của Lạng Sơn chiếm 60% dân số. Trung bình mỗi năm tỉnh này có 4.500 người bước vào độ tuổi lao động. Vấn đề lao động, việc làm trước đây đã là thách thức không nhỏ đối với tỉnh miền núi Lạng Sơn, ngày nay càng trở nên bức xúc, đòi hỏi chính quyền địa phương có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu...
Góp phần "hạ nhiệt" việc làm với địa phương, cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ gia đình SXKDVKK, cho vay HSSV, XKLĐ,... hàng năm NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã cho vay hàng chục tỷ đồng từ chương trình GQVL, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng năm 2011, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đạt tổng dư nợ 1.297 tỷ đồng, trong đó: cho vay GQVL trên 63 tỷ đồng, chiếm gần 22% tổng dư nợ, trên 3 nghìn hộ đã được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi cho vay GQVL. Nói chung, người vay đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, rừng, quặng đá. Nhiều cơ sở khai thác sản xuất, cửa hàng tạp hóa lớn mạnh về quy mô, sử dụng thêm lao động địa phương; nông thôn hình thành các mô hình SXKD không chỉ đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống bản thân các hộ gia đình vay vốn, mà còn tạo thêm việc làm mới cho người lao động, giúp họ ổn định đời sống.
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương (đá), đáp ứng phong trào phá nhà tạm bợ xây nhà kiên cố cho hộ nghèo, ở Lạng Sơn ra đời nhiều xưởng sản xuất gạch bê tông (nguyên liệu: gồm đá nghiền nhỏ, trộn xi măng, đóng khuôn, ép bằng máy), giá thành hợp lý, bền, không phải vận chuyển đi xa. Cơ sở sản xuất gạch bê tông của chị Triệu Thị Phòn ở xã Tràng Phái (huyện Tràng Định); của Đoàn Hồng Hải ở thôn Liên Hòa, của Vi Văn Nố ở thôn Bắc Đông 1 xã Gia Cát (huyện Cao Lộc)... mỗi xưởng sản xuất được vay 30 triệu đồng từ vốn vay GQVL, thu hút 5 - 7 lao động, với thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng.
Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, huyện Cao Lộc có nhiều diện tích đất bị thu hồi, năm 2011 ngân hàng đã cho vay 215 dự án với dư nợ khoảng 5 tỷ đồng, tập trung ở 2 thị trấn Cao Lộc và Đồng Đăng, các xã ven thị trấn như Tân Liên, Gia Cát, Hải Yến... Hầu hết nguồn vốn được tập trung phát triển chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh, phát triển dịch vụ, mở mang ngành nghề.
Năm 1997, ông Hồ Hữu Hải - Bí thư Chi bộ khối 10, thị trấn Cao Lộc được vay từ NHNg (nay là NHCSXH) 7 triệu đồng. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài" ông trồng ngô, khoai, sắn và các loại cây ăn quả, như: nhãn, xoài, dẻ. Kể từ đó ông Hải luôn có thu nhập 15 - 20 triệu đồng/năm. Khi đã gây dựng được vốn, năm 2009 ông mạnh dạn đầu tư nuôi 2.600 con gà lương phượng đẻ trứng, thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm. Đầu năm 2011, ông lập dự án khai hoang, vay ngân hàng 20 triệu đồng vốn GQVL. Hiện ông đang sử dụng trang trại chăn nuôi, rộng 6,5 ha.
Theo nhận xét của các nhà kinh tế địa phương thì cho vay GQVL nhu cầu cao nhưng nguồn cung có hạn. Điều được khẳng định: đây là "vốn mồi" góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội vùng biên cương.
Hồ Khánh Thiện