Giải pháp khắc phục các khoản nợ quá hạn tại Kon Tum
Đăng ngày: 16/1/12Năm 2011 đã qua, NHCSXH tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện được 10 chương trình tín dụng vốn vay ưu đãi cho hơn 35 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ gần 860 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do đặc thù về hoạt động tín dụng chính sách, thêm vào đó Kon Tum vẫn là một tỉnh nghèo, trình độ dân trí thấp nên tỷ lệ nợ quá hạn thường ở mức cao. Có thể thấy rằng, vấn đề giải quyết nợ quá hạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chi nhánh sẽ tập trung giải quyết trong năm 2012. Hiện tại, toàn tỉnh còn trên 23,5 tỷ đồng nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 2,7% tổng dư nợ. Trong đó, một số đơn vị có nợ quá hạn cao như: TP. Kon Tum, huyện Kon PLông, Đăk Tô... Nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn là do thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, mất mùa, hộ vay không biết cách làm ăn, sử dụng vốn sai mục đích, chây ỳ không chịu trả nợ, vốn bị xâm tiêu, chiếm dụng và một số khoản nợ nhận từ Kho bạc Nhà nước, NHNo&PTNT khi nhận bàn giao.
Mặc dù thời gian qua, NHCSXH tỉnh Kon Tum đã có nhiều biện pháp xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nhưng tỷ lệ còn thấp. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum: Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ có những biện pháp xử lý dứt điểm. Cụ thể, đối với các khoản nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan, chi nhánh sẽ phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV rà soát, hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đối với các khoản nợ quá hạn do nguyên nhân chủ quan, NHCSXH sẽ chủ động báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đến hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, đặc biệt là công tác xử lý nợ quá hạn. Đồng thời, đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu (Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự, Công an và một số ngành liên quan) tiếp tục tham gia hỗ trợ NHCSXH trong việc thu hồi nợ quá hạn. Trong đó, UBND các huyện thành lập các tổ công tác liên ngành trực tiếp xử lý nợ tại các xã, phường; phối hợp với UBND xã, phường mời các đối tượng xâm tiêu, chiếm dụng, vay ké, hộ vay chây ỳ trong việc trả nợ trực tiếp làm việc, kê khai tài sản; sau đó chuyển hồ sơ cho bộ phận tín dụng phụ trách địa bàn theo dõi, tuyên truyền, vận động, đôn đốc việc trả nợ. Nếu hết thời hạn cam kết các đối tượng không thực hiện trả nợ thì lập hồ sơ đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo quy định. Đối với các đối tượng có hành vi làm trái với quy định của pháp luật về nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì thu thập các chứng cứ, đề nghị truy tố trước pháp luật.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ quá hạn phát sinh, NHCSXH tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa những tổn thất có thể xảy ra. Đồng thời, chi nhánh sẽ củng cố, kiện toàn hoạt động của Tổ TK&VV, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, các ngành lồng ghép việc sử dụng vốn vay ưu đãi với chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... để đồng vốn sinh sôi nảy nở, tạo cho họ làm ăn có lãi, có điều kiện trả lãi, nợ đầy đủ và đúng hạn.
Bài và ảnh Đào Hiền