Giải bài toán "ly nông bất ly hương"
Đăng ngày: 7/2/12Là tỉnh ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đặc biệt quan tâm đến vấn đề GQVL nhằm phát huy lợi thế nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động.
Chương trình cho vay GQVL của NHCSXH tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập, thực hiện XĐGN và đảm bảo ASXH.
Nguồn vốn tiếp sức cho làng nghề
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ở ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), ông Lê Văn Nhơn phấn khởi nói về mô hình nuôi trăn. Là người có thâm niên trong nghề này, ông Nhơn có 10 chuồng nuôi trên 150 con trăn với trọng lượng trên 5 kg/con. Năm nay, giá bán cho thương lái từ 250 nghìn đồng - 260 nghìn đồng/kg, ông Nhơn dự tính đến đầu năm xuất bán thu được 900 kg trăn thịt, trừ đi chi phí tiền con giống, thức ăn… lợi nhuận thu được sau một đợt nuôi trăn là trên 45 triệu đồng.
Theo ông Nhơn, mô hình nuôi trăn ở ấp Quang Mỹ đã có từ hơn 10 năm nay, lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi từ 5 - 10 con/hộ. Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường, thấy được hiệu quả của con trăn, phong trào nuôi trăn được phát triển, cao điểm có trên 80 hộ nuôi trăn, quy mô nuôi từ 30 - 40 con/hộ, có hộ nuôi nhiều từ 150 - 200 con. Với đặc điểm không tốn công chăm sóc, ít bệnh, mô hình nuôi trăn này đã GQVL cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Do nghề nuôi trăn phát triển nhanh, người nuôi cần được hỗ trợ thêm nguồn vốn để phát triển quy mô. Xã Hiếu Thuận đã thành lập Tổ hợp tác nuôi trăn với 48 hộ tham gia, số lượng trăn nuôi trên 3 nghìn con, qua đó thực hiện đăng ký giấy phép nuôi động vật hoang dã, tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho hộ nuôi. Trong 2 năm 2010 - 2011, chương trình cho vay GQVL của NHCSXH huyện Vũng Liêm đã giải ngân 320 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ phát triển mô hình nuôi trăn thương phẩm.
Theo anh Nguyễn Thanh Đạm - Chủ tịch Hội ND xã Hiếu Thuận, hiệu quả của mô hình nuôi trăn ở Quang Mỹ đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng đối tượng vật nuôi, phù hợp với các hộ có ít diện tích đất sản xuất và tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn. Nhờ nguồn vốn của chương trình GQVL, bình quân mỗi hộ nuôi trăn được vay 10 triệu đồng, mở rộng quy mô nuôi trăn, hướng đến hình thành làng nghề nuôi trăn ở Quang Mỹ.
Mô hình nuôi trăn của hộ ông Lê Văn Nhơn, ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm
Giải quyết việc làm ngay tại quê hương
Hợp tác xã Tiến Tài ở ấp Hòa Nghĩa, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm là một trong những mô hình phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn, đưa nghề về làng có hiệu quả, tạo thêm thu nhập cho lao động nữ vùng sâu, vùng xa. Được vay vốn chương trình GQVL 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện, hợp tác xã nhận hàng gia công quần áo thu hút 44 lao động, đa số là chị em phụ nữ. Chị Lê Thị Kim Thảo là một trong những lao động gắn bó với hợp tác xã từ ngày đầu thành lập. Ngoài thời gian chăm sóc ruộng vườn, gia đình, chị nhận hàng của hợp tác xã để gia công, hàng tháng chị thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng tiền nhận hàng về gia công. Đây là một trong những mô hình “đưa nghề về làng” được tỉnh Vĩnh Long khuyến khích phát triển, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, giảm tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, cơ sở SXKD, nguồn vốn chương trình tín dụng GQVL đã hỗ trợ cho các dự án thu hút nhiều lao động, phát triển các ngành nghề như may mặc, đan lát, cơ khí nông nghiệp ở địa phương.
Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long, NHCSXH các huyện, thành phố kết hợp với Sở LĐTB&XH, chính quyền và hội, đoàn thể địa phương triển khai các dự án cho vay GQVL. Trong năm 2011, doanh số cho vay của chương trình GQVL tại Vĩnh Long đạt 34 tỷ đồng với gần 3 nghìn lượt hộ vay, tạo được việc làm cho gần 5 nghìn lao động. Đến hết năm 2011, dư nợ chương trình cho vay GQVL tại NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2010 với gần 6 nghìn hộ còn dư nợ. Mức cho vay bình quân được nâng lên 10 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn cho vay qua các dự án của 4 tổ chức hội, đoàn thể… đã tạo điều kiện cho hội viên có nguồn vốn phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, mua bán nhỏ… tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiệu quả của chương trình tín dụng đã tạo việc làm cho 26.900 lao động.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Với mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 là GQVL cho trên 130 nghìn lao động, tỉnh Vĩnh Long xác định chương trình cho vay GQVL là động lực tạo điều kiện giải quyết tình trạng thất nghiệp ở đô thị và thiếu việc làm ở nông thôn. Tỉnh tập trung xây dựng các dự án GQVL cho khu vực thành thị, khu vực nông thôn, dự án GQVL cho các đối tượng chính sách… nhằm tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động, nâng cao tỷ lệ sử dụng quỹ thời gian lao động trong nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Hùng - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, khó khăn hiện nay trong cho vay GQVL là nguồn vốn phân bổ cho các huyện, thành phố còn chậm, chính quyền cơ sở chỉ đạo triển khai xây dựng dự án thực hiện chưa kịp thời, còn để thời gian kéo dài sau khi được phân bổ vốn, nợ quá hạn của chương trình cho vay GQVL còn ở mức cao. Hiện nay, trong tình hình ảnh hưởng của biến động giá cả, số tiền vay còn thấp nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn của người vay.
Năm 2012, chương trình cho vay GQVL của NHCSXH tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch nguồn vốn trên 72,4 tỷ đồng, tăng 10,69 % so với năm 2011. Để nâng cao chất lượng tín dụng góp phần giải quyết việc làm hiệu quả và bền vững, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long triển khai các giải pháp trong đó kết hợp với Ban chỉ đạo chương trình XĐGN, GQVL với các đơn vị xây dựng dự án GQVL cho khu vực thành thị, khu vực nông thôn, dự án GQVL cho đối tượng chính sách, hướng vào các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao và sử dụng nhiều lao động. NHCSXH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi giải ngân, có biện pháp xử lý kịp thời những dự án sử dụng vốn sai mục đích, không đảm bảo số lao động. Các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao chất lượng xét duyệt đối tượng đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định đồng thời các Ban, ngành, đoàn thể kết hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc thu hồi vốn, xử lý nợ đến hạn và quá hạn, qua đó tạo nguồn quay vòng vốn, nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình cho vay GQVL, góp phần thực hiện mục tiêu ASXH.
Huỳnh Kim Phượng