Giá dầu, chứng khoán Phố Wall đồng loạt giảm
Đăng ngày: 16/2/11Giá dầu thô tại New York (Mỹ) phiên 15.2 tiếp tục giảm nhẹ; giá dầu thô Brent tại London (Anh) cũng lùi về mốc 101 USD/thùng. Các chỉ số chứng khoán Phố Wall (Mỹ) cũng đồng loạt đi xuống.
Theo phân tích của các chuyên gia, dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tại Mỹ gia tăng là nguyên nhân chính khiến giá dầu thô tại đây bị đẩy lùi.
Theo thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), dự trữ xăng tại Mỹ hiện ở mức cao nhất kể từ năm 1990, còn dự trữ dầu thô tại nước này có thể đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2004.
Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 15.2, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 3 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) ở mức 84,32 USD/thùng, giảm nhẹ 49 cent, tương đương giảm 0,6% so với phiên trước đó, cũng là mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 30.11.2010.
Hiện giá dầu thô tại New York cao hơn 14% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Các thông tin về dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ cũng tác động khiến giá dầu Brent tại London (Anh) giảm nhiều. Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 15.2, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 4 giảm 1,44 USD/thùng, tương đương giảm 1,4% so với phiên trước đó, xuống còn 101,64 USD/thùng.
Trong phiên 14.2, giá dầu này đã tăng vọt lên tới 103,08 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9.2008.
Sau thời điểm chốt phiên, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) có báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm khoảng 354.000 thùng trong tuần trước (tính tới ngày 11.2), xuống còn 345,6 triệu thùng, tuy nhiên giá dầu thô tại NYMEX vẫn không được cải thiện đáng kể.
Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước có thể đã tăng thêm 2 triệu thùng, tương đương tăng 0,6% (theo khảo sát của Bloomberg). Nếu đúng thì đây sẽ là tuần thứ năm liên tiếp dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng. Báo cáo chính thức của DOE sẽ được công bố vào tối nay (16.2, giờ VN).
* Trên thị trường chứng khoán, Phố Wall đỏ đèn trong khi châu Âu và châu Á vẫn phần nào duy trì được sắc xanh.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ toàn nước Mỹ trong tháng 1 vừa qua chỉ tăng 0,3%, mức tăng kém nhất kể từ hồi tháng 6 năm ngoái và thấp hơn kỳ vọng tăng 0,5% của các chuyên gia.
Cùng với đó, chỉ số giá của các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ cũng tăng khá mạnh trong tháng 1 vừa qua, tới 1,5% (hồi tháng 12 tăng 1,2%), trong đó tập trung vào các mặt hàng nhiên liệu và thực phẩm. Con số công bố này cao gần gấp đôi số dự đoán của các chuyên gia (0,8%).
Tổng kết phiên, S&P 500 giảm nhẹ 0,4%, xuống còn 1.327,14 điểm; Dow Jones Industrial cũng để mất 0,5% tổng số điểm hiện có, xuống còn 12.212,94 điểm; Nasdaq Composite giảm 0,5%, chốt phiên ở mức 2.804,35 điểm.
Tại châu Âu, sắc xanh trải rộng trên các bảng điện tử. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng nhẹ 0,11%.
Đa số các thị trường cấp quốc gia đều tăng điểm trong phiên này, cụ thể: chỉ số CAC 40 của Pháp tăng nhẹ 0,33%, lên thành 4.110,34 điểm; DAX của Đức tăng 0,05%, lên thành 7.400,04 điểm. Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 0,48%: PSI General của Bồ Đào Nha tăng 0,23%.
Tại châu Á, các chỉ số tăng giảm đan xen: chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,2%, chốt phiên ở mức 10.746,67 điểm; trong khi đó HSI của Hồng Kông lại giảm 0,96%, xuống còn 22.899,78 điểm.
Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)