FPT không mua cổ phần EVN Telecom
Đăng ngày: 9/4/11Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT vừa chính thức ra nghị quyết rút khỏi dự án đầu tư vào Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom). Trong số nhiều lý do dẫn đến việc FPT ngừng đầu tư vào EVN Telecom, nguyên nhân lớn nhất là hiệu quả dự án rất thấp.
Một trong những nguyên nhân chính khiến FPT ngừng đầu tư vào EVN Telecom là do hiệu quả đầu tư thấp - Ảnh: Việt Dũng |
Quý 4-2010, Tập đoàn FPT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bàn thảo về một thương vụ lớn nhất trong ngành viễn thông di động tại Việt Nam, đó là FPT sẽ đầu tư để mua khoảng 60% cổ phần của EVN Telecom với mục tiêu cải tổ toàn diện năng lực của nhà mạng này.
Kỳ vọng nắm quyền chi phối
Hai bên đã đạt được thỏa thuận cụ thể và FPT nhanh chóng đặt cọc 708 tỉ đồng nhằm chứng minh năng lực tài chính cũng như quyết tâm đầu tư vào một trong những dự án viễn thông lớn nhất của mình. Tiếp đó, một tổ công tác của FPT được thành lập nhằm khảo sát toàn diện thực trạng hoạt động của EVN Telecom, từ nguồn vốn đến đầu tư dự án, cơ chế hoạt động, kinh doanh... Sau hơn bốn tháng khảo sát, FPT đã có một bản báo cáo chi tiết đánh giá cơ hội đầu tư vào nhà mạng này để đưa ra bàn thảo trước hội đồng quản trị.
Cũng trong thời điểm FPT tiến hành khảo sát, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của EVN Telecom. Theo đó, cơ cấu vốn điều lệ của EVN Telecom khi cổ phần hóa là hơn 2.963 tỉ đồng. Công ty được bán cho người lao động 0,4% vốn điều lệ và bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) 49% vốn điều lệ. Phần còn lại 50,6% cổ phần sẽ do EVN nắm giữ. Quyết định này khiến FPT bất ngờ khi không được mua 60% cổ phần như thỏa thuận ban đầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Đình Anh, tổng giám đốc FPT, khẳng định đơn vị đặt cọc khoản tiền 708 tỉ đồng với thỏa thuận sẽ mua 60% cổ phần của EVN Telecom bởi liên quan đến việc ai là người có quyền định đoạt số phận của EVN Telecom. Khi FPT đặt vấn đề mua lại nhà mạng này, FPT muốn cấu trúc lại toàn diện doanh nghiệp và sẽ sáp nhập với FPT Telecom để trở thành một doanh nghiệp kinh doanh cả viễn thông di động và cố định nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường viễn thông đầy khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ông Trương Đình Anh khẳng định do nhiều yếu tố nên thỏa thuận này đã không thực hiện được.
Hiệu quả thấp
Ngày 6-4, hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã họp và bỏ phiếu với tỉ lệ 7/11 thành viên ủng hộ việc rút khỏi dự án này, bởi nguyên nhân lớn nhất là dự án sẽ không mang lại hiệu quả đầu tư như mong đợi. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trương Đình Anh lý giải trong 18 tháng qua, tỉ giá USD và VND biến động nhanh, trong khi đó việc đầu tư vào hạ tầng viễn thông đều tính bằng USD nên chi phí sẽ lớn hơn.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng gần như gấp đôi cũng là một gánh nặng đối với doanh nghiệp viễn thông. Ngoài ra, một nguyên nhân cũng cần tính đến là việc EVN Telecom phối hợp với Hanoi Telecom để triển khai mạng 3G nhưng vùng phủ sóng quá hẹp, phải chia sẻ băng tần nên cơ hội phát triển khó khăn. Do đó qua khảo sát toàn diện tại EVN Telecom, FPT đánh giá hiệu quả của dự án xuống quá thấp so với nhận định mong đợi và đây là nguyên nhân dẫn đến đa số thành viên hội đồng quản trị FPT nhất trí rút khỏi dự án này.
Hiện ban điều hành của FPT đang thực hiện các thủ tục cần thiết để rút khỏi dự án, trong đó có việc rút khoản tiền đặt cọc 708 tỉ đồng. Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quang Lâm - phó giám đốc phụ trách kinh doanh của EVN Telecom - cho biết chưa nhận được văn bản chính thức của FPT gửi sang về việc này.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết hai tập đoàn sẽ ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề. Được biết, hiện nay cũng có nhiều nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào EVN Telecom, trong đó có cả các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa EVN Telecom phải có ý kiến của Chính phủ mới được thực hiện.
MINH QUANG
Có khả năng sập mạng viễn thông EVN Telecom Trong cuộc họp triển khai kế hoạch năm 2011, chủ tịch hội đồng thành viên EVN Đào Văn Hưng đã khẳng định trước bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng “có khả năng sập mạng viễn thông EVN Telecom”. Theo ông Hưng, EVN đã làm đề án cổ phần hóa EVN Telecom rất công phu, đã trình Chính phủ. Tuy nhiên, bốn tháng sau khi trình, việc quyết định cổ phần hóa chưa có khiến cán bộ công nhân viên EVN Telecom và các tổng công ty điện lực hoang mang lo lắng không biết mô hình tương lai của EVN Telecom sẽ thế nào. Ông Đào Văn Hưng cũng cho biết cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông rất quyết liệt, trong khi các mạng khác đang thực hiện giảm cước, khuyến mãi để giành giật khách, EVN Telecom mất khách hàng rất nhanh. “Mỗi tháng EVN Telecom mất khoảng 100.000 khách hàng, 200 tỉ đồng/tháng nhưng không biết làm thế nào” - ông Hưng nói và cho rằng “cứ thế này quá nguy hiểm với doanh nghiệp”. C.V.K. |