FED với những mục tiêu chính sách tiền tệ
Đăng ngày: 29/12/12Vừa qua, tại Diễn đàn kinh tế được tổ chức tại bang Indiana, Mỹ, Ông Ben Bernanke Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có bài tham luận trình bày về những chính sách của FED đang sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng xuất phát từ cuối năm 2008.
Trong bài tham luận, Ben Bernanke khẳng định: FED sẽ theo đuổi mục tiêu ổn định giá cả và tạo việc làm tối đa, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Công cụ FED sử dụng để điều hành vẫn là công cụ lãi suất truyền thống, tuy nhiên nó được sử dụng một cách linh hoạt và phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Dựa trên lý thuyết cơ bản, với vai trò là ngân hàng trung ương của Mỹ, FED có nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh, điều đó đồng nghĩa với nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát thấp và ổn định, hệ thống tài chính đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và các dịch vụ khác mà không gây ra sự bất ổn trong hệ thống tài chính. FED theo đuổi những mục tiêu nêu trên thông qua một loạt các phương tiện như: lãi suất, thị trường mở, dự trữ bắt buộc, tỷ giá…
Bên cạnh đó, FED cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, ví dụ như FED cùng với các cơ quan giám sát liên bang, thực hiện nhiệm vụ giám sát các ngân hàng và tổ chức tài chính khác để bảo đảm sự ổn định trong hệ thống. Công tác giám sát này được thực hiện trên phương diện tổng thể để nhận biết các rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống. Ngoài ra, FED khuyến khích công bố thông tin về tài chính và kinh tế, thúc đẩy sự tiếp cận bình đẳng với tín dụng và phát triển kinh tế địa phương thông qua các hoạt động như làm việc với cộng đồng, các tổ chức phi lợi nhuận, và những tổ chức, cá nhân khác trên khắp đất nước. FED cũng cung cấp một số dịch vụ cơ bản cho khu vực tài chính, ví dụ như: cung cấp dịch vụ thanh toán trên lãnh thổ và phân phối tiền mặt (tiền giấy và tiền xu) cho các ngân hàng.
Trong những nhiệm vụ nêu trên, nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện chính sách tiền tệ. Quốc hội là cơ quan cao nhất quyết định các mục tiêu của chính sách tiền tệ, theo đó chính sách tiền tệ có 2 mục tiêu là tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả.
Trong trường hợp bình thường, FED thực hiện chính sách tiền tệ thông qua ảnh hưởng của nó đối với lãi suất ngắn hạn, qua đó tác động đến các lãi suất khác và giá cả. Nói chung, nếu nền kinh tế suy yếu đang là mối lo ngại chính, FED sẽ giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn để tạo nguồn vốn mới cho sản xuất và kinh doanh hàng hoá, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn cho việc mua nhà, ô tô, các hàng hóa và dịch vụ khác. Tương tự như vậy, nếu nền kinh tế đang tăng trưởng nóng, FED có thể tăng lãi suất để làm giảm tổng cầu và hạn chế áp lực lạm phát.
Với phương pháp tiếp cận như trên, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, FED đã cắt giảm lãi suất ngắn hạn một cách nhanh chóng, giảm xuống gần như bằng 0% vào cuối năm 2008 - thời điểm nền kinh tế đang suy giảm mạnh. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Mỹ nói chung và FED nói riêng phải đối mặt với một thách thức thực sự: khi lãi suất ở mức 0%, tỷ lệ lãi suất ngắn hạn không thể cắt giảm hơn nữa; do đó, công cụ chính sách truyền thống để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế là không còn tác dụng nữa. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nền kinh tế và thị trường việc làm thật sự cần tới sự hỗ trợ nhiều hơn. Không chỉ là trường hợp của FED, ngân hàng trung ương các nước trên khắp thế giới cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Do đó, câu hỏi đặt ra là trong tình huống này là FED sẽ phải làm gì.
Nhật Bản cũng đã rơi vào tình trạng tương tự khi mà lãi suất ngắn hạn đã gần bằng 0% trong nhiều năm. Vì vậy, FED cũng có thể học hỏi kinh nghiệm xử lý thách thức này của Nhật Bản cũng như các bài học rút ra từ các nghiên cứu của các nhà kinh tế học. Theo đó, không thể giảm lãi suất ngắn hạn hơn nữa, FED tìm cách tác động đến lãi suất dài hạn hơn mà các mức lãi suất này vẫn đang cao hơn 0%. FED cho rằng, với chính sách tiền tệ truyền thống, việc giảm lãi suất dài hạn sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm bằng cách hạ thấp chi phí vay để mua nhà và xe hơi hoặc để tài trợ cho các khoản đầu tư vốn. Từ năm 2008, FED đã sử dụng hai loại công cụ chính sách tiền tệ ít truyền thống để làm giảm lãi suất dài hạn.
Thứ nhất, FED thực hiện việc mua chứng khoán dài hạn trên thị trường mở - chủ yếu là trái phiếu kho bạc và các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp của các doanh nghiệp được chính phủ bảo trợ như Fannie Mae và Freddie Mac. Hành động mua chứng khoán dài hạn của FED đã làm giảm số lượng chứng khoán đang được cầm giữ bởi các nhà đầu tư và gây áp lực giảm lãi suất của các chứng khoán nêu trên. Áp lực giảm lãi suất đó sẽ được truyền tải đến các mức lãi suất khác đang được áp dụng cho các khách vay là các cá nhân và doanh nghiệp. Ví dụ, với công bố đầu tiên của FED về việc mua chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp vào cuối năm 2008, lãi suất của chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp kỳ hạn 30 năm ở mức trung bình trên 6%/năm, đến nay mức lãi suất này đã giảm xuống khoảng 3 - 3,5%/năm. Lãi suất thế chấp thấp hơn là một trong những lý do giải thích cho sự cải thiện trên thị trường nhà đất, mà qua đó sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Các lãi suất quan trọng khác như lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất đối với các khoản vay tự động (auto loans) cũng đã giảm.
Thứ hai, FED công bố chính sách duy trì lãi suất ngắn hạn đặc biệt thấp trong thời gian cụ thể. Bởi vì, đường cong lãi suất (trong dài hạn) là lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm gắn với kỳ vọng của thị trường đối với diễn biến lãi suất ngắn hạn trong vòng 5 năm tới, do vậy nếu FED thuyết phục các nhà đầu tư rằng ngân hàng trung ương này sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp trong thời gian dài hơn (5 năm) có thể giúp kéo đường cong lãi suất dài hạn. Tóm lại, chiến lược cơ bản của FED là tăng cường kinh tế thông qua việc giảm lãi suất và nới lỏng các điều kiện tài chính nói chung. Tuy nhiên, có sự khác biệt là với mức lãi suất ngắn hạn gần như bằng 0%, FED đã thực hiện một số công cụ nhằm giảm lãi suất dài hạn một cách trực tiếp hơn.
Trong hoàn cảnh nền kinh tế phục hồi không như mong muốn và tỷ lệ thất nghiệp đang còn ở mức cao và dai dẳng, FED hy vọng sẽ duy trì lạm phát ở mức thấp trong một thời gian nữa, điều đó giúp FED có thể làm được nhiều hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm mà không ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định giá cả. Cụ thể, FED đã thông báo việc mua chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp và được bảo lãnh bởi các doanh nghiệp do chính phủ bảo trợ, với khối lượng 40 tỷ đôla Mỹ/tháng. Như vậy, cùng với các chương trình trước đây, FED sẽ mua 85 tỷ đôla Mỹ/tháng và kéo dài đến hết năm 2012. FED kỳ vọng việc mua chứng khoán sẽ gây áp lực giảm lãi suất dài hạn, bao gồm cả lãi suất thế chấp. Để nhấn mạnh cam kết của FED trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, FED sẽ tiếp tục mua chứng khoán và sử dụng các công cụ chính sách khác cho đến khi triển vọng đối với thị trường việc làm cải thiện đáng kể trong một bối cảnh ổn định giá cả.
Bên cạnh đó, FED đã công bố mục tiêu giữ tỷ lệ lãi suất ngắn hạn đặc biệt thấp đến thời điểm ít nhất là giữa năm 2015. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế sẽ yếu đến giữa năm 2015, thay vào đó FED cam kết giữ ổn định giá và không tăng lãi suất sớm ít nhất là đến giữa năm 2015. Qua đó, FED sẽ khiến cho cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và thị trường tài chính tự tin hơn vào cam kết của FED để thúc đẩy kinh tế hồi phục một cách bền vững thông qua sự sẵn sàng đầu tư và sẵn sàng chi tiêu của các thành phần kinh tế nói trên.
Mặc dù vậy, chính sách tiền tệ không phải là thuốc chữa được bách bệnh. Để phát huy hiệu quả tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp thực hiện bởi các chính sách khác, chẳng hạn như cải cách ngân sách liên bang một cách bền vững, cải cách thuế, cải thiện hệ thống giáo dục, hỗ trợ đổi mới công nghệ, và mở rộng thương mại quốc tế.
Từ Khóa: PT, LS, Ngân Hàng, NH, Giám Sát, FED, Tài Chính,