EU lại nóng chuyện thắt lưng buộc bụng
Đăng ngày: 21/3/13Các nhà kinh tế của Ủy ban châu Âu (EC) lại bị chỉ trích vì đã áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng mà phần nào đã làm cho tình hình...

Theo hai nhà kinh tế Paul De Grauwe và Yuemei Ji, các chính sách khắc khổ của châu Âu là một phản ứng quá mức cần thiết trước sự hoảng hốt của thị trường đối với Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha hồi đầu năm 2010. Thực tế cũng ủng hộ cho lập luận của hai nhà kinh tế này: các thị trường liên quan tại khu vực đồng tiền chung (eurozone) chỉ trở nên lặng gió và lạc quan trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ mua không hạn chế trái phiếu của các nước Nam Âu.
Nếu ECB đưa ra cam kết đó ở thời điểm mà cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu, có lẽ biện pháp thắt lưng buộc bụng là không cần thiết và tranh cãi cũng sẽ không xảy ra.
Nhưng theo Ủy ban châu Âu, chi phí đi vay của chính phủ các nước ngoại vi khu vực đồng euro hạ xuống không chỉ bởi hành động của ECB. “Những chuyển biến đó cũng có thể do sự cải thiện của các thị trường”, theo một bài viết của Marco Buti, quan chức cấp cao trong Ban Kinh tế của EC và Nicholas Carnot, cố vấn của ban này. Thâm hụt ngân sách ở khu vực ngoại vi eurozone đang giảm xuống, tương tự như với cán cân vãng lai, đang chứng tỏ có sự cải thiện về năng lực cạnh tranh của các nước này.
Nhưng bài viết của Buti không thực sự đưa ra được dẫn chứng cho lập luận đó. Và thực tế, rất khó để EC đưa ra được bằng chứng có sức nặng cho lập luận của họ, do ảnh hưởng từ cam kết của ECB là rất rõ ràng.
Thắt chặt chi tiêu - hay xa hơn là “liên minh” tài khóa - có cần thiết ở tất cả các nước châu Âu? Ủy ban châu Âu tin là có và lưu ý Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng tin như vậy.
“Một khi việc điều chỉnh tài khóa được thừa nhận là đáng làm, thì vấn đề không chỉ nằm ở nguyên tắc thực hiện mà còn ở mức độ điều chỉnh”, De Grauwe and Ji viết.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc điều chỉnh đó không được thừa nhận? Điều gì sẽ xảy ra nếu có ý kiến cho rằng cả khu vực đồng euro không nên giảm mức thâm hụt ngân sách? Rõ ràng, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ai Len, trước đòi hỏi khắt khe của thị trường, cần cắt giảm. Nhưng Đức, Hà Lan, Phần Lan, Áo hay thậm chí là Pháp có cần cắt giảm? Tất cả các nước này đều chỉ phải chịu chi phí tài trợ chính phủ thấp trong suốt cuộc khủng hoảng và do đó không cần thiết phải thắt lưng buộc bụng ngay.
Nếu Đức, Hà Lan, Phần Lan và Áo - các nước “lõi” của eurozone - để thâm hụt ngân sách lớn hơn, điều đó sẽ làm mềm lập trường ngân sách của khu vực đồng tiền chung; sự kích thích từ khu vực lõi ít nhất sẽ ngăn chặn thâm hụt ngân sách ở eurozone không giảm nhanh như đã xảy ra. Việc đó cũng sẽ làm tăng cầu nội địa về dài hạn cho khu vực lõi và giúp các nước ngoại vi phục hồi thông qua tăng trưởng xuất khẩu.
Ủy ban châu Âu cũng đang xem xét luận điểm này: “Chúng tôi đồng ý rằng, sự cân đối trong điều chỉnh về ngân sách là mối quan tâm chính đáng. Có nhiều cách tiếp cận để lập lại sự cân bằng, nhưng những công cụ sẵn có có những hạn chế của nó”.
EC nhấn mạnh rằng, Đức đang tìm cách áp dụng các chính sách tốt hơn. Lập trường ngân sách của chính phủ nước này hiện nay, về cơ bản, là trung dung - không cắt giảm cũng chẳng tăng thêm. Các quan chức Đức cũng cho biết, họ đang sẵn sàng cho phép tăng tiền công mạnh hơn, qua đó giúp người tiêu dùng nước này tăng mua các hàng hóa được sản xuất bởi các nhà máy của Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ai Len.
Vấn đề là, mức tăng tiền công đó là quá ít và quá muộn. Đức đã thực hiện cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 2 năm qua. Lạm phát tiền công nói riêng và lạm phát nói chung của Đức không cao hơn mấy so với các nước ngoại vi. Và điều đó vẫn tiếp diễn. Không có lạm phát cao hơn và cầu nội địa mạnh hơn ở khu vực lõi eurozone, các nước ngoại vi vẫn đang đối diện với một giai đoạn dài đầy khó khăn.
Theo ĐTCK
Từ Khóa: TB, KT, Thị Trường, ECB, EC, Châu Âu, Giảm,