Đúng là ngân hàng của dân nghèo
Đăng ngày: 7/2/12Với phương châm “hoạt động vì người nghèo” những năm qua NHCSXH huyện Tam Đường (Lai Châu) đã thực hiện tốt chương trình tín dụng để các hộ nghèo được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi.

Trước đây cuộc sống gia đình chị Tẩn Thị Nẻo, dân tộc Dao, ở bản Đội 4, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường rất khó khăn. Thu nhập của cả nhà chỉ trông chờ vào 1.000m2 lúa 1 vụ. Kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào sự hào phóng của tự nhiên. Năm nào mưa thuận gió hoà, không rầy nâu, không sâu bệnh thì tạm đủ ăn, nếu trời chẳng thương thì cả gia đình rơi vào thiếu đói. Chẳng nói đâu xa, cách đây chưa tròn 5 mùa Xuân nhà chị cũng đã phải chịu cảnh đói ăn. Niềm vui đến với gia đình chị khi năm 2009 được NHCSXH huyện Tam Đường tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Điều ao ước bấy lâu nay của gia đình đã thành sự thật, có vốn trong tay, như mảnh ruộng khô lâu ngày gặp trận mưa rào, anh chị phấn khởi vô cùng và cùng bàn tính cách dùng số tiền “ơn nghĩa” ấy sao cho hiệu quả nhất. Đầu tiên chị mua mấy con gà mái về nuôi, nhờ mát tay mà lứa đầu chị đã thành công rồi nhân đàn lấy ngắn nuôi dài. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chị lại dùng số tiền được vay để mua thêm lợn về thả, rồi đầu tư cải tạo đất ruộng, tăng cường phân bón cho ruộng. Nhờ sự tần tảo, hướng đi đúng chỉ sau 1 năm gia đình chị “thoát” ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Đến nay, anh chị đã xây dựng được ngôi nhà 3 gian kiên cố khang trang, các con ăn học đầy đủ. Bên bộ bàn ghế mới mua chị Nẻo bộc bạch những lời chân tình: “Không có nguồn vốn của NHCSXH huyện cho vay có lẽ mãn kiếp tôi cũng chẳng bao giờ có được như ngày hôm nay”.
Giống như gia đình chị Nẻo, gia đình anh Mùng Văn Chung, ở bản Km2, xã Bình Lư (Tam Đường) cũng thoát nghèo nhờ vốn vay của NHCSXH. Anh Chung sinh ra trong một gia đình bần nông thuần tuý, cả nhà anh đều chỉ chung một số phận là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cả đời xới đất lật cỏ mà ước mơ vẫn không quá được bát cơm đầy với cái bụng no. Năm 2009, thật may mắn nhờ có NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay GQVL. “Có tiền nhưng không phải cứ thế mà tiêu, tôi phải tính làm sao để tiền biết đẻ. Nếu đầu tư thuần tuý chắc còn lâu mới ngẩng mặt lên được. Suy đi tính lại mãi tôi quyết định mua các giống hoa như: Hồng, lay ơn, cau cảnh… về trồng, số tiền còn lại tôi thuê máy xúc 4 cái ao để thả cá. Ngày ngày lao động vất vả trên cánh đồng hoa. Không phụ công người chăm sóc, năm 2010, từ bán cá, bán hoa và cây cảnh gia đình tôi thu được trên 100 triệu đồng tiền lãi. Tôi trả bớt cho ngân hàng và tái đầu tư, đến nay không những kinh tế ổn định mà còn giúp cho nhiều người trong bản có việc làm. Âu cũng là trả ơn người đã giúp đỡ mình”.
Gia đình chị Nẻo, anh Chung chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ nghèo của xã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo nhờ vay vốn của NHCSXH huyện Tam Đường.
Được thành lập năm 2004, sau khi đi vào hoạt động NHCSXH huyện Tam Đường đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể của huyện, xã tiến hành khảo sát số hộ nghèo, đưa vốn đến đúng đối tượng đồng thời tư vấn giúp họ lập phương án SXKD. Mặt khác, ngân hàng đẩy mạnh việc thành lập và tập huấn nghiệp vụ cho Tổ TK&VV để thực hiện xã hội hóa hoạt động ngân hàng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã tổ chức được 15 lớp tập huấn cho 336 học viên về các chương trình tín dụng đang thực hiện trên địa bàn, sự cần thiết và cách thức thành lập Tổ TK&VV, nghĩa vụ quyền lợi của tổ viên… Để giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi mà vẫn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại ngân hàng đặt 13 điểm giao dịch tại UBND các xã, thị trấn. Ông Trần Thế Hùng - Phó giám đốc NHCSXH huyện Tam Đường cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên cho các hộ nghèo vay vốn để SXKD, sửa chữa nhà ở, lắp đặt điện thắp sáng, xây dựng và cải tạo công trình NS&VSMTNT, cho vay HSSV, XKLĐ… Tại các điểm giao dịch ở các xã, ngân hàng đều niêm yết thông báo chính sách tín dụng ưu đãi mới cũng như nội quy giao dịch, danh sách hộ vay, số tiền nợ, lãi đã trả. Khi khách hàng có nguyện vọng vay vốn, chúng tôi hướng dẫn người dân làm hồ sơ thủ tục vay cụ thể, nhiệt tình, không gây phiền hà cho người dân. Nhờ đó, khách hàng đến với chúng tôi ngày càng nhiều hơn”.
Các hộ được vay vốn đã tích cực lao động sản xuất, vươn lên XĐGN. Trên 90% số hộ vay vốn biết chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo, làm giàu chính đáng. NHCSXH huyện Tam Đường qua 7 năm xây dựng dần lớn mạnh. Năm 2004 từ 40 Tổ TK&VV với dư nợ gần 16 tỷ đồng với gần 1 nghìn khách hàng thì đến nay đã có 254 Tổ TK&VV với dư nợ gần 117 tỷ đồng, trên 7 nghìn hộ gia đình được vay vốn. Điều đáng nói là gần 90% hộ vay trả nợ, trả lãi đúng hạn.
Với nhiều giải pháp hợp lý để đưa nguồn tín dụng ưu đãi đến các hộ nghèo, thời gian qua NHCSXH huyện Tam Đường đã mang đến cho các hộ nghèo trong huyện một sức mạnh mới giúp họ phát triển sản xuất, từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bởi thế, người dân luôn miệng gọi đó chính là ngân hàng của dân nghèo.
Khánh Kiên