Dửng dưng với vốn ngân hàng
Đăng ngày: 10/19/2014Ngân hàng đỏ mắt tìm DN tốt để cho vay, nhưng hầu hết DN đều không có nhu cầu vay vốn do sức mua hiện quá yếu ớt, số DN cần vay thì lại vướng nợ xấu hoặc không có tài sản đảm bảo… Những nguyên nhân này đã khiến dòng vốn tín dụng bị bế tắc tại các ngân hàng và chưa thể đưa vào sản xuất.
Ngân hàng cần DN nhiều hơn là DN cần ngân hàng
Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 13-10, ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP.HCM chia sẻ, chưa bao giờ DN thờ ơ với việc vay vốn như hiện nay. Trong các cuộc họp, Hiệp hội DN đều phát phiếu khảo sát về nhu cầu vay vốn cho DN, nhưng chỉ thu về được vài ba phiếu từ hàng trăm phiếu phát ra. Theo ông Hưng, ngân hàng tung ra các gói cho vay với lãi suất 6 – 7%, nhưng thực tế DN rất khó tiếp cận mức lãi suất này, nếu có cũng chỉ trong vài ba tháng đầu, sau đó lại trở về mức lãi suất cao trên 10%. Bên cạnh đó, DN hiện vẫn gặp khó về vấn đề tài sản thế chấp, trong khi quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn chủ yếu chỉ tư vấn chứ chưa làm được vai trò bảo lãnh, khiến việc vay vốn của DN gặp khó khăn.
Ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương mại Sài Gòn lại chỉ ra rằng, hiện nhiều DN vay vốn không biết để làm gì vì sức mua của thị trường quá yếu. Trước đây một DN sản xuất đường khi bán mỗi kg đường có lãi 200 - 300 đồng, nhưng nay chỉ còn 20 - 30 đồng. Con số này không đủ trang trải chi phí lãi vay. Doanh số 9 tháng năm 2014 của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn cũng chỉ ở mức tương đương với năm 2013.
Các ngân hàng có mặt tại buổi làm việc đều cho biết, ngân hàng hiện không dám cho vay lãi suất cao, thậm chí phải cạnh tranh gay gắt để giữ chân khách hàng. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB chia sẻ, hiện tại ngân hàng cần DN nhiều hơn là DN cần ngân hàng. Các DN tốt, có thể cho vay thì ngân hàng đều đã lùng sục hết. Điều này được thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng khối khách hàng DN của ACB có 85% vốn huy động ngắn hạn, Ngân hàng Đông Á cũng có trên 70% vốn huy động có kỳ hạn dưới 3 tháng… Điều này khiến lượng vốn các ngân hàng được phép cho vay tại các kỳ hạn trung, dài hạn bị hạn chế rất nhiều.
Một điểm nghẽn khác khiến tín dụng tăng chậm theo lý giải của các ngân hàng chính là vấn đề nợ xấu. Ông Đỗ Minh Toàn chia sẻ, tại ACB, nhân viên nào để xảy ra nợ quá hạn thì sẽ bị ngưng hoạt động cho vay để tập trung xử lý nợ. Trong khi đó, công tác xử lý nợ hiện rất chậm do việc thi hành án kéo dài đã gây ra ức chế không nhỏ về tâm lý cho các cán bộ tín dụng của ngân hàng, buộc việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay phải thận trọng hơn. Ông Nguyễn Tiến Vĩnh, Phó giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu vẫn chính là xử lý tài sản thế chấp. Theo quy định, ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp của DN, song trên thực tế lại không thể thực hiện được nếu DN không đồng ý. Lúc này ngân hàng buộc khởi kiện ra toà, kéo theo đó là hàng loạt thủ tục tố tụng phức tạp, sau đó quá trình thi hành án cũng kéo dài rất lâu. Có những vụ việc cách đây hàng chục năm, nhưng đến nay ngân hàng vẫn chưa xử lý được tài sản.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM: Sắp tới, tôi sẽ kiến nghị Chính phủ về 3 việc. Thứ nhất, đối với Ngân hàng Nhà nước cần hạ lãi suất để kéo giảm lãi suất cho vay trung dài hạn xuống, vì lãi suất hiện đang quá cao so với lạm phát. Đồng thời giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay xuống mức có thể chấp nhận được là khoảng 2,5 – 3%, bởi hiện nay, mức chênh lệch này tại hầu hết ngân hàng đều trên 3%, thậm chí có ngân hàng lên tới 4% là quá cao. Thứ hai, cần xem xét giảm tỷ lệ trích lập dự phòng tài chính xuống dưới 20% trong mua bán nợ để phù hợp với khả năng của các ngân hàng, không giảm quá nhanh lợi nhuận của ngân hàng. Thứ ba, cần giải quyết vấn đề thủ tục về thanh lý tài sản, vấn đề thế chấp liên quan đến luật dân sự để đẩy mạnh thị trường mua bán nợ. Bà Trương Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP.HCM: Việc thẩm định cho vay phải thực hiện một cách thận trọng một phần do tâm lý sợ bị hình sự hóa của cán bộ ngân hàng khi xảy ra sai sót. Do 1% tín dụng tại TP.HCM là số tiền rất lớn. |
Theo baohaiquan.vn