Đóng cửa 26/7: Sức mua giảm sút, VN-Index rơi xuống dưới 500 điểm
Đăng ngày: 26/07/2010Thông tin tốt khi chỉ số CPI tháng 7 ở mức thấp nhất từ đầu năm và chứng khoán thế giới tăng trở lại đã không hỗ trợ nhiều cho tâm lý nhà đầu tư. Sức mua tiếp tục giảm sút do dòng tiền chưa được khơi thông, VN-Index đã để mất mốc tâm lý 500 điểm.
Kết thúc phiên, VN-Index đã lùi về 498,1 (▼-2,21 -0,44%). Thanh khoản nhích nhẹ so với phiên hôm trước, với 39,9 triệu đơn vị được chuyển nhượng và giá trị giao dịch đạt hơn 1.136 tỷ đồng. Số mã giảm giá đã chiếm áp đảo với 144 mã giảm, chỉ có 56 mã tăng và 53 mã đứng giá.
HNX-Index đóng cửa ở 155,7 (▼-2,29 -1,45%). Thanh khoản phiên này tiếp tục tụt giảm và ở mức khá thấp so với trung bình các phiên trước đây. Khối lượng giao dịch chỉ đạt 29 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 873 tỷ đồng. Đây là mức thấp trong 10 phiên trở lại đây. Số mã giảm giá phiên này đã gấp tới gần 4 lần so với số mã tăng với 56 mã tăng, 216 mã giảm và 29 mã đứng giá.
Diễn biến giao dịch
Thông tin CPI tháng 7 của cả nước giảm hay chứng khoán thế giới tăng mạnh phiên cuối tuần không có nhiều tác động đến nhà đầu tư trong giao dịch phiên sáng nay. Mở cửa, chỉ số chỉ tăng nhẹ gần 1 điểm, số mã giảm giá vẫn chiếm áp đảo. Bước vào đợt 2, giao dịch vẫn tiếp tục ảm đạm so sức mua không được cải thiện. Chỉ số giao dịch giằng co và biến động trên mức tham chiếu. Lực cầu vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn không được gia tăng, trong khi nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn hơn. Áp lực bán đã gia tăng mạnh về cuối phiên, đóng cửa chỉ số đã để tuột mất mốc 500 điểm, giảm hơn 2 điểm.
Như vậy sau 10 phiên giao dịch kể từ ngày 12/7, VN-Index ở mốc 499,9 điểm, chỉ số lại đã trở về dưới mốc này. Sự kỳ vọng của nhà đầu tư đã không còn mặc dù có nhiều thông tin tốt hỗ trợ.
Phiên này có tới 8 cổ phiếu có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này chiếm tới 30% thanh khoản toàn thị trường. Dẫn đầu về mức độ sôi động trong phiên hôm nay tiếp tục là STB với 2,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa STB tăng nhẹ lên 17,5 nghìn/cp (+0,6%).
Cổ phiếu OGC cũng có phiên giao dịch hết sức nối bật. Kết thúc phiên hôm nay OGC đã tăng 1,6% lên 45,8 nghìn/cp với thanh khoản chỉ sau STB với 2 triệu đơn vị.
Cùng đứng trong top được giao dịch sôi động, các cổ phiếu khác lại tụt giảm là: REE (-3,6%), VFC (-4,6%), EIB (-0,5%), VHG (-4,8%)
Hôm nay là ngày chào sàn đầu tiên của hai cổ phiếu DRH và VRC trên HSX. Cổ phiếu DRH của Công ty Cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước kết thúc phiên ở mức giá 18,7 nghìn/cp với khối lượng giao dịch đạt 0,52 triệu đơn vị. Trong khi VRC - Công ty Cổ phần Xây lắp Địa ốc Vũng Tàu đóng cửa ở 43,2 nghìn/cp, thanh khoản đạt 0,46 triệu đơn vị và kết thúc phiên không còn dư bán. Trong quý II/2010 doanh thu và lợi nhuận của VRC đều đạt trên gấp 3 so với cùng kỳ năm 2009.
Diễn biến trên sàn Hà Nội đã bắt đầu có dấu hiệu xấu ngay từ đầu phiên, thanh khoản sau 15 phút giao dịch mới chỉ đạt hơn 1,3 triệu cổ phiếu. Bên mua chủ yếu đặt giá thấp trong khi đó bên bán vẫn giữ giá, điều này đã làm cho khá nhiều cổ phiếu không có giao dịch. Chỉ số tiếp tục đi xuống trong suốt toàn phiên giao dịch và khi VN-Index để mất mốc 500 điểm, đà giảm lại tiếp tục mạnh hơn, HNX-Index đóng cửa giảm hơn 2 điểm và ở mức thấp nhất nhất trong ngày.
KLS và PVX tiếp tục là hai mã có thanh khoản cao nhất trên sàn HNX với KLGD lần lượt là 1,43 và 1,41 triệu cổ phiếu. Kết thúc phiên KLS giảm 2,2% còn PVX giảm 0,4%.
Trên HOSE phiên này khối ngoại đã mua vào 80 cổ phiếu với tổng khối lượng là 1,58 triệu đơn vị, tăng 3,2% so với phiên trước và chỉ chiếm 4% thanh khoản toàn thị trường. BVH là cổ phiếu thu hút sự chú của khối ngoại nhiều nhất. Họ đã mua vào 0,19 triệu đơn vị, chiếm gần như 100% thanh khoản của mã này. Kết thúc phiên, BVH giữ mức tham chiếu 46,3 nghìn/cp. Các cổ phiếu Bluechips khác cũng được mua nhiều như: DPM (0,14 triệu), DIG (0,12 triệu), HPG (0,11 triệu), CII (0,1 triệu).
NĐTNN tiếp tục bán ròng trên HNX, hôm nay họ đã bán 26.700 đơn vị tuy nhiên giá trị mua vào lại chiếm nhiều hơn 1,3 tỷ. Cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất là LM3 với 25 nghìn đơn vị.
Hầu hết các nhóm ngành trong phiên hôm nay đều giảm điểm nhẹ, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm Ôtô và phụ tùng với mức giảm 2,3%, nhóm Bất động giảm 1,1%, nhóm Ngân hàng giảm 1%, nhóm Dịch vụ tài chính giảm 0,5%, nhóm Truyền thông giảm 0,8%...
Thông tin gì có thể “hích” được thị trường
Tuần giao dịch vừa qua thị trường đón nhận một số thông tin vĩ mô trong nước. Tuy nhiên, những con số CPI tháng 7 của 2 thành phố lớn Hà Nội và HCM chỉ có tác dụng củng cố thêm niềm tin cho NĐT về tình hình lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt.
Trước tình trạng đi ngang, xập xình của thị trường, thì những thông tin vĩ mô yếu như thế này không đủ lực để có thể tạo được một cú hích cho thị trường bứt phá mạnh mẽ được. Một sự kỳ vọng vào những báo cáo KQKD Quý II của doanh nghiệp đang dần bị lu mờ.
Tuy nhiên, quan sát biến động giá của VN-Index từ 2006 đến nay, có một đặc điểm dễ nhận thấy là khoảng thời gian cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 luôn là thời điểm bắt đầu cho sóng tăng lớn cuối cùng hàng năm.
Điều này đã lặp lại có tính chu kỳ trong 4 lần tương ứng với 4 năm và hoàn toàn có thể hy vọng sự lặp lại khi quý 3 hàng năm luôn là thời điểm có nhiều kỳ vọng cho các công ty kinh doanh bất động sản – nhóm ngành chiếm giá trị vốn hóa khá lớn và có thể kéo thị trường.
Bên cạnh đó, mùa cao điểm của hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu cũng vào quý 3 và 4 hàng năm, ngành Vận tải biển sẽ được lợi không ít từ yếu tố này. Trong khi với ngành Ngân hàng, càng về cuối năm , khả năng tín dụng được “cởi trói” là cao khi tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, chỉ tiêu 25% vẫn còn lớn. Ngành Thủy sản cũng vào mùa khai thác quý 3 này, trong khi từ đầu năm tới nay, sóng ngành này chưa xuất hiện… Như vậy, triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành trong quý 3 và 4 tới đây là khả quan.
Tuy nhiên, nếu một sóng tăng lớn bắt đầu thì sự dịch chuyển trước đó của VN-Index cũng sẽ không rõ ràng và khó nhận biết, cần quan sát thêm những diễn biến trong ngắn hạn để đánh giá thêm.