Đổi thay ở vùng đất khó
Đăng ngày: 1/11/12Nằm ở giữa vựa lúa tứ giác Long Xuyên, lại có con sông Hậu chảy qua, những năm trước đây, huyện Châu Phú của tỉnh An Giang vẫn còn đến quá nửa số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Thời gian gần đây, phát huy lợi thế địa phương với quỹ đất đai rộng lớn, kênh rạch, giàu phù sa, cộng thêm việc Nhà nước đầu tư nhiều chương trình dự án, trong đó đáng kể nhất là sự đổi mới của công tác tín dụng chính sách, bộ mặt vùng "đất khó" Châu Phú ở đồng bằng sông Cửu Long đã đổi thay nhanh chóng.
Theo năm tháng, nguồn vốn ưu đãi tăng dần, từ 18 tỷ đồng năm 2004 lên 194 tỷ đồng tính đến tháng 8/2012 đã góp phần cho những cánh đồng, vườn cây, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... thi nhau mọc lên, mang lại cuộc sống ổn định, tươi vui dần cho người dân vùng sông nước.
Từ một vùng đất nhiễm phèn nặng, ít có cây gì sống nổi đến nay, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ kịp thời cùng sự phối hợp đồng bộ với công tác khuyến nông. Những mô hình sản xuất trái cây không hạt đạt hiệu quả kinh tế cao. Hơn 400ha giống chanh Califonia không hạt được trồng tập trung ở các xã đầu nguồn sông Hậu đem lại nguồn thu khá lớn, có nhiều hộ gia đình nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển vườn Chanh giống mới đã thoát cảnh nghèo, xây được nhà ở vững chắc tại cụm tuyến dân cư thoát lũ. Đặc biệt, ở các xã Thạch Mỹ Tây, Thạch Mỹ Đông, Thạch Phước ở giữa vùng "đất khó", đã xuất hiện hàng trăm hộ nông dân vay vốn, ứng dụng tiến bộ KHKT, trồng thử nghiệm và thâm canh vườn ổi không hạt xen canh các loại cây ăn quả khác, cho hiệu quả kinh tế cao.
Hướng dẫn đoàn khách tham quan những vườn ổi sai trĩu quả, ông Huỳnh Minh Ngọc, Chủ tịch Hội ND xã Thạch Mỹ Tây vui vẻ nói chuyện: "Cách đây 3 năm, được NHCSXH đầu tư trực tiếp 8 tỷ đồng cho dự án chuyển đổi cây trồng các hộ nghèo trong xã đã mua cây giống, vật tư, cải tạo vườn tạp trồng các loại cây ăn trái không hạt như chanh, bưởi, ổi... vừa để phủ xanh đất hoang hóa, vừa thu sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ và chế biến hoa quả đóng hộp xuất khẩu. Nhờ nguồn vốn ưu đãi đó, mà 34ha vườn tạp, rừng tràm hoang hóa trước đây nay đã được biến thành vườn trái cây xanh tốt, quả sai và có đến 135 hộ xoá được nghèo, vươn lên làm giàu từ dự án vay vốn chính sách phát triển vườn cây ăn trái không hạt".
Minh chứng cho lời kể của Chủ tịch Hội ND xã Thạch Mỹ Tây là hộ gia đình anh Đoàn Văn Nhàn ở ấp Thạch Phú đã sử dụng vốn vay chuyển trồng lúa sang trồng ổi xen cây có múi; lãi tới 150 triệu đồng/ha. Theo anh Nhàn cho biết thì sau khi được tập huấn mô hình xen canh cây trồng do Viện cây ăn quả miền Nam tổ chức và vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời, gia đình anh đã tiến hành san lấp 1,1ha đất vườn tạp, ruộng lúa sang trồng cây ăn trái; đồng thời, chọn giống cây ổi không hạt trồng xen các loại cây như ớt lai F1, đu đủ... Ngay vụ thu đợt đầu mỗi ha đất được hơn 1 tấn ổi, trừ chi phí, lãi trăm triệu đồng. Tiếp đó, là hái ớt, ước năng suất 20 tấn/ha và chảy quả chín của 200 gốc cây đu đủ, 450 gốc mít Thái Lan... tất cả lãi ròng gần 300 triệu đồng/ha.
Mô hình cây không hạt xen canh đã giúp gia đình anh Nhàn tăng lợi nhuận khá cao trên cùng đơn vị diện tích. Hiện tại, gia đình anh đã giàu có, trả hết nợ vay ngân hàng, và đang làm thủ tục đề nghị chính quyền, các ngành nông nghiệp, NHCSXH hỗ trợ thêm vốn liếng, kỹ thuật để phát triển nghề làm vườn thành điểm du lịch.
Thật đúng là đồng vốn ưu đãi đã và đang góp phần làm thay đổi trình độ sản xuất ở mọi ngành nghề cũng như tại vùng "đất khó" Châu Phú (An Giang).