Điển hình sử dụng vốn vay HSSV ở Hậu Giang
Đăng ngày: 5/3/12Xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là xã thuộc diện vùng sâu đặc biệt khó khăn với trên 70% số dân là hộ đồng bào dân tộc Khmer, trong đó số hộ nghèo chiếm tới 65%.

Hiện nay, ấp 10, xã Lương Nghĩa có khoảng gần 40 hộ dân thì có tới 69 người con đang học cao đẳng, đại học trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều gia đình có 3 - 4 con đều vào đại học và được vay vốn ưu đãi của chương trình HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg như hộ ông Lâm Khem, Danh Phấn, chị Thi Mỹ Vinh... ông Lâm Khem, người được xem là một trong những người đi tiên phong của ấp sử dụng vốn vay NHCSXH vừa phát triển sản xuất, thoát nghèo, vừa cho con vào giảng đường đại học và trở thành một tấm gương được bà con trong ấp noi gương học tập. Ông Khem tâm sự: "Cái thời của tôi ít ai học tới lớp 10. Nhớ những năm trước thập kỷ 80, toàn ấp chỉ có 2 người học tới đó thôi, chủ yếu là do hoàn cảnh nghèo khó quá, còn bây giờ thì khác xa rồi, vì ngoài lòng quyết tâm chúng tôi lại được Nhà nước, NHCSXH hỗ trợ tiền lo cho con được học hành đến nơi, đến chốn để mai này không còn vất vả" nhờ quyết tâm, nhất là từ hơn 70 triệu đồng vay 3 năm liên tiếp của NHCSXH huyện Long Mỹ lãi suất ưu đãi mà cả 4 người con của ông đều vào đại học ở TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nhờ NHCSXH huyện cho gia đình nghèo Lâm Khem vay vốn, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi để động viên con cái yên tâm học giỏi ở các trường đại học đã như ngọn lửa thổi bùng lên trào lưu vay vốn NHCSXH đầu tư cho con học tập ở trong xã này.
Cũng do có phong trào tốt đẹp ấy mà ấp 10, xã Lương Nghĩa còn được gọi là "ấp đại học". Đến nơi đây, chúng tôi mới nhận ra rằng, cái nghèo đâu phải là nguyên nhân để con người ta từ bỏ ước mơ học tập. Đến thăm gia đình bà Thị Gụ, một hộ nghèo của ấp. Chồng bị bệnh hiểm nghèo, hàng ngày bà Gụ phải vất vả làm lụng để nuôi đàn con ăn học. Bà tâm sự, nhiều lúc tưởng mình không còn đủ sức để chu cấp cho con ăn học. Nhưng may sao giữa lúc khốn khó ấy, gia đình bà được ấp xét được vay vốn của NHCSXH lo cho 2 đứa con lần lượt bước vào giảng đường đại học, còn hai đứa sắp tốt nghiệp Trung học phổ thông lại làm động lực để bà tiếp tục cố gắng nuôi dưỡng ước mơ cho con. Ông Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, Lâm Viết Chung cho biết: "Hiện tại, dư nợ của chương trình HSSV của xã với NHCSXH đạt mức cao nhất huyện, với hơn 2,3 tỷ đồng. Nguồn vốn ấy đã làm điểm tựa cho phong trào thi đua học tập của con em các hộ dân Khmer của chúng tôi".
So với nhiều "làng, xóm đại học" khác trên cả nước có lẽ số lượng sinh viên hơn 70 người ở xã Lương Nghĩa vẫn còn khiêm tốn, nhưng với một xã còn ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn như Lương Nghĩa, mà phong trào sử dụng vốn ưu đãi chăm lo cho việc học tập của tuổi trẻ như thế thật đáng được khen ngợi.