Điểm sáng nơi vùng cao
Đăng ngày: 16/1/12Mùa xuân này, ngược theo các cung đường trên quê hương Yên Lập - huyện miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ - chúng tôi cảm nhận rõ đồng vốn chính sách không chỉ giúp bà con đuổi cái nghèo mà còn góp phần nâng cao dân trí.
Trung Sơn là xã vùng sâu khó khăn nhất và nghèo nhất của huyện miền núi Yên Lập. Cái nghèo ở đây có nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất vẫn là do dân trí thấp cùng với tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất mang tính độc canh, tự cấp, tự túc và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa tự mình vươn lên, nên cái nghèo cứ nối tiếp cái nghèo. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ toàn diện bằng nhiều hình thức, trong đó có đưa các giống cây, con cho đồng bào chăn nuôi, sản xuất nhưng không ai biết nuôi, biết trồng. Vì những lúc đồng bào cần tư vấn, cần hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, canh tác thì không có người hỗ trợ, tư vấn trực tiếp tại chỗ.
Đến năm 2003, NHCSXH huyện Yên Lập thành lập điểm giao dịch tại UBND xã với 16 Tổ TK&VV tại 16 khu dân cư. Ông Đinh Văn Chí - Chủ tịch Hội ND xã cho chúng tôi biết: "Ở Trung Sơn, mỗi lần ra huyện họp phải đi trước một ngày. Cần gì cũng phải cất công đi lại, khó khăn lắm. Vậy mà ngay bây giờ, một ngân hàng dành cho người nghèo lại có mặt ngay tại UBND xã. Đồng bào muốn giúp đỡ thế nào, tháo gỡ ra sao, cứ đến ngày 15 hàng tháng lên điểm giao dịch là được". Ông Chí cho biết thêm: "Trước kia đồng bào không biết chăn nuôi, trồng trọt, vốn làm ăn cũng không có, không ai hỗ trợ, giám sát nên bà con cứ luẩn quẩn, quanh nếp nhà, chỉ trông chờ vào đồi rừng, nay thì khác, cứ lên điểm giao dịch của NHCSXH sẽ được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, được hướng dẫn sử dụng vốn ra sao, chăn nuôi thế nào từ phía ngân hàng, Ban giảm nghèo xã và Trung tâm khuyến nông. Hiệu quả lắm, chính vì thế mà giờ chúng tôi đã thành lập thêm được 4 Tổ TK&VV để bà con dân nghèo có cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi nhiều hơn nữa".
Có mặt tại điểm giao dịch xã Mỹ Lung từ rất sớm, khi thấy nụ cười của bà con đến giao dịch với NHCSXH. Ông Khúc Hà Xuyên - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Mặc dù xã còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đầy đủ nhưng xã đã cố gắng bố trí cho ngân hàng một phòng làm việc để giao dịch với bà con được thuận tiện, dễ dàng".
Ngược lên điểm giao dịch xã Minh Hòa, chứng kiến sự đổi thay trong đời sống kinh tế của bà con mới thấy được ý nghĩa của vốn vay ưu đãi. Vốn vay giúp người dân nghèo trồng chè làm cho xã trở thành khu vực trồng chè trọng điểm của huyện. Nhiều điển hình kinh tế trang trại trồng chè như hộ gia đình Đinh Công Nguyên, Nguyễn Văn Thực... Tuy nhiên, đặc điểm của vùng chè chính là việc sản phẩm phải được tiêu thụ một cách kịp thời, vừa đảm bảo chất lượng, vừa tạo thu nhập thường xuyên cho hộ gia đình. Trong khi đó, trên địa bàn xã chưa có nhà máy hoặc cơ sở chế biến nào để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. Nắm bắt được khó khăn này thông qua những buổi họp giao ban, gặp gỡ bà con tại điểm giao dịch, NHCSXH huyện đã cho chị Nguyễn Thị Hương vay vốn xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến chè ngay tại xã theo dự án của chương trình cho vay giải quyết việc làm. Đến nay, cơ sở chế biến chè của chị Hương đã lớn mạnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương, đảm bảo thu mua hết số chè của bà con trong và ngoài xã. Từ khi có điểm thu mua chè của chị Hương, bà con trồng chè có thu nhập ổn định nên trả nợ, trả lãi đầy đủ và còn có tiền gửi tiết kiệm.
Chị Đinh Thị Hiên - Chủ tịch Hội PN xã Đồng Thịnh cho biết: "Nhờ có điểm giao dịch tại xã mà chị em phụ nữ biết được chủ trương nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV của NHCSXH. Hiện nay, Đồng Thịnh có 17 Tổ TK&VV thì toàn bộ 910 tổ viên đều tham gia gửi tiền tiết kiệm với số tiền 206 triệu đồng. Có điểm giao dịch, chị em biết được số tiền mình gửi là bao nhiêu, lãi suất cũng như các thủ tục khi mình muốn rút tiền tiết kiệm... Số tiền gửi tiết kiệm sẽ giúp gia đình có một khoản dự trữ để khi đến hạn sẽ trả nợ ngân hàng dễ dàng hơn. Số tiền mình gửi tiết kiệm sẽ được ngân hàng cho vay quay vòng, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính sách cho các hộ khác còn nghèo hơn. Điều này cũng khiến cho các hộ gia đình trong Tổ TK&VV ấm lòng khi mỗi độ tết đến xuân về".
Bài và ảnh Lê Thái Hùng