Địa chỉ nâng đỡ cho phát triển sản xuất ở Đạ Huoai
Đăng ngày: 17/2/12Gần 10 năm qua, nhờ triển khai huy động vốn và cho vay vốn tín dụng ưu đãi có hiệu quả, kịp thời, hoạt động của NHCSXH huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, người dân nghèo đã bớt đi gánh nặng về vốn, có điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất, từng bước nâng cao cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Theo chân cán bộ tín dụng, chúng tôi đến xóm 2 thị trấn Mađagui. Rót nước mời khách ông Nguyễn Địch Quảng tâm sự: Gia đình ông có 6 khẩu từ vùng đồi Cẩm Khê, Phú Thọ vào định cư miền đất phía nam Tây Nguyên này từ năm 1989 đến nay, trước đây là hộ nghèo trong xóm, do đông con, diện tích ruộng ít nên cái nghèo đói cứ đeo bám mãi gia đình ông. Từ năm 2006, gia đình ông vay 10 triệu đồng từ NHCSXH huyện Đạ Huoai đầu tư vào 5.000m2 vừa trồng điều, trồng lúa, vừa chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông đã dần thoát nghèo, có của ăn của để. Năm 2009, gia đình ông vay tiếp 20 triệu đồng cho con trai lớn đi XKLĐ ở Malaysia làm nghề cơ khí. Mấy tháng trước Tết âm lịch, con trai ông đã gửi tiền về được khoảng gần 50 triệu đồng, gia đình thực hiện trả lãi ngân hàng, đến đầu năm nay là hết hạn sẽ hoàn trả toàn bộ gốc và dự định vay tiếp để lo cho con gái thứ đi XKLĐ. Chị Phạm Thị Bến - Tổ trưởng Tổ TK&VV Tổ 2 cho biết: Mađagui có 46 hộ vay vốn NHCSXH với dư nợ là 522,4 triệu đồng. Các hộ đã sử dụng vốn vay đúng mục đích thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn. Cá biệt có một số hộ đặc biệt khó khăn, bà con trong tổ đã gom góp giúp đỡ trả lãi hộ hoặc gia hạn nợ.
Anh Trần Văn Đức, cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Đạ Huoai nói với chúng tôi: Có đi về thôn xóm mới thấy người nghèo cần vốn đến thế nào. Thời kỳ đầu ngân hàng mới thành lập, mỗi hộ bình quân được vay rất ít, sau đó mức cho vay được nâng lên 5 - 7 triệu đồng/hộ. Trong quá trình đó, nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của việc cho vay vốn với suy nghĩ: liệu việc đưa một lượng vốn quá ít ỏi cho hộ nghèo có giúp họ thoát nghèo hay chỉ là "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Thực tế cho thấy, với số tiền được vay, cùng với số tiền tích cóp từ trước, một số hộ ở các xã đã mua được bò về nuôi. Nhờ đó, cuộc sống của người nghèo dần được nâng lên, mức sinh hoạt cũng bước đầu cải thiện.
Thực hiện dân chủ, công khai trong công tác cho vay vốn, gần 10 năm qua, nguồn vốn đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Đến cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo là 69 tỷ đồng với 12.577 hộ dư nợ. Có được kết quả ấy là nhờ ngân hàng đổi mới công tác giải ngân, đưa vốn về tại điểm giao dịch ở các xã, bất kể vùng sâu, vùng xa. Phần lớn vốn được chuyển đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách bằng việc cho vay ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Cả huyện có 390 Tổ TK&VV với 1.228 thành viên tham gia. Việc cho vay ủy thác không những tạo thêm kênh dẫn vốn đến với người nghèo mà còn có điều kiện giám sát, quản lý nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả vì cán bộ hội, đoàn thể là người hiểu rõ nhất về người vay vốn ưu đãi.
Giám đốc NHCSXH huyện Đạ Huoai Nguyễn Thị Tân cho biết: Năm 2012, NHCSXH sẽ nỗ lực hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới cơ chế nghiệp vụ cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng chính sách về phương thức sản xuất, mở rộng ngành nghề, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Quốc Việt