Đầu xuân nói chuyện cho vay HSSV ở Hải Dương
Đăng ngày: 9/2/12Qua 4 năm triển khai, tỉnh Hải Dương đã có hàng chục nghìn lượt HSSV được vay vốn học tập.

Trong cái rét của đợt không khí lạnh tăng cường vào dịp đầu năm, chúng tôi tìm đến gia đình chị Phạm Thị Hồng, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà. Vốn làm nông nghiệp, lại không có nghề phụ, gia đình chị Hồng nhiều năm qua luôn là một trong những hộ khó khăn của xã. Năm 2003, chồng chị không may bị tai nạn lao động qua đời. Gánh nặng đè lên đôi vai chị. Một mình nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi học, nhiều lúc chị tưởng mình không vượt qua được, nhưng rồi thấy các con chăm ngoan, học giỏi, chị lại cố gắng. Ngoài 4 sào ruộng khoán và hơn 1 sào vải là nguồn thu chính của gia đình, chị lăn lộn làm thuê đủ các nghề nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao... Năm 2004, con gái lớn của chị đậu Đại học Thủy lợi. Nhận được giấy báo, nhìn con gái vui mừng mà lòng chị ngập nỗi lo toan. Không muốn ước mơ của con bị bỏ dở, chị cầm “sổ đỏ” của gia đình đi thế chấp vay tiền từ chi nhánh NHNo&PTNT huyện Thanh Hà để con có tiền nhập học. Vừa tăng gia sản xuất, vừa tìm việc làm thêm lo cho các con ăn học. Năm 2006, cháu gái thứ hai đỗ Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Lúc này, gia đình chị không còn gì để bán ra tiền cho con nhập học, vừa lúc đó được Hội ND xã Thanh Hải giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, chị Hồng đã làm thủ tục vay vốn và được vay 3 triệu đồng (mức vay cũ). Năm 2008, cậu con trai út của chị tiếp tục thi đỗ Học viện Bưu chính - Viễn thông, nhờ có chính sách tín dụng đối với HSSV và mức vay được nâng lên 830 nghìn đồng/tháng. Vì vậy, không phải chỉ hai cô con gái lớn mà con trai thứ 3 của chị có thêm cơ hội học tập. Giờ đây, cả hai cô con gái lớn của chị đã ra trường và có việc làm ổn định ở Hà Nội, hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về cho mẹ trả nợ ngân hàng, lo cho em trai ăn học. Tâm sự với chúng tôi, chị Hồng không giấu nỗi niềm hạnh phúc, chị cho biết: “Nhờ có chính sách tín dụng đối với HSSV mà các con của chị có cơ hội thực hiện được ước mơ của mình. Suốt quá trình vay vốn, tôi luôn nhắc nhở các cháu được vay vốn để ăn học phải biết trân trọng và chi tiêu tiết kiệm, cố gắng học tập để không phụ lòng cha mẹ, sự giúp đỡ từ phía ngân hàng. Thương mẹ nên các con tôi luôn cố gắng học tập, cả hai cháu gái ngoài giờ học trên lớp đều đi làm gia sư nên có thêm thu nhập giúp đỡ mẹ. Về phần tôi, sau khi cháu lớn ra trường, thời gian trả nợ, trả lãi cũng đã đến, một mặt tôi cố gắng làm lụng để có tiền lo các cháu, một mặt tiết kiệm mọi chi tiêu trong gia đình để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng”. Chị Hồng tâm sự thêm: “Mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, cháu út vẫn chưa ra trường nhưng gia đình tôi đã trả được một phần gốc vốn vay và chưa khi nào chậm trả lãi ngân hàng, tôi luôn ý thức rằng mình trả nợ, trả lãi đúng hạn thì sẽ lại có thêm nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn như con mình có thêm cơ hội vay vốn để học tập”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, thôn Hoàng Giáp, xã An Lâm, huyện Nam Sách cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng chị quanh năm phải đi làm ăn xa, một mình chị ở nhà trồng trọt gần 1ha ruộng và chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm nhưng thu nhập cũng không kham nổi khoản chi phí ăn học của 3 đứa con (2 cháu học đại học và 1 học THCS). Những lúc các con chị về, không có tiền, chị phải vay bên ngoài với lãi suất cao để con có tiền lên trường phục vụ nhu cầu ăn học. Từ năm 2006, thông qua Hội PN xã An Lâm, chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện Nam Sách để lo cho 2 cô con gái học đại học. Tuy nhiên, thời gian đó, mức vay còn quá thấp nên gia đình chị phải vay thêm bên ngoài rất nhiều. Hiện nay, cả 2 cháu đều tốt nghiệp và đã đi làm, có thu nhập ổn định, giúp đỡ bố mẹ trong việc trả vốn vay ngân hàng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Duyên phấn khởi cho biết: “Nhờ được vay vốn ngân hàng, giờ đây cháu gái lớn đang làm kế toán một công ty gần nhà, cháu thứ 2 làm tại một Ngân hàng thương mại ở Hà Nội còn cháu trai thứ 3 đang học THPT. Có công ăn việc làm và thu nhập ổn định các cháu và gia đình tôi không quên nghĩa vụ trả nợ vay ngân hàng. Hàng tháng đến kỳ trả nợ, trả lãi, tôi đều chuẩn bị một số tiền nhất định để trả ngân hàng”. Chị Duyên cho biết thêm: “Mình được tạo cơ hội vay vốn cho con em đi học thì phải có trách nhiệm với chính đồng vốn được vay”.
Không chỉ chị Duyên, chị Hồng mà rất nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã và đang vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV, họ luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với vốn vay ưu đãi. Đồng chí Vũ Thạch Đề - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 4 tỷ đồng dư nợ tại NHCSXH huyện Cẩm Giàng, trong đó dư nợ cho vay HSSV là hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, đang đến kỳ thu nợ, thu lãi của chương trình nhưng trên địa bàn chưa xảy ra tình trạng chậm trả gốc, trả lãi. 100% các hộ vay theo chương trình đều ý thức được trách nhiệm của mình, nhiều gia đình con em ra trường nhưng chưa có việc làm ổn định song do được tuyên truyền, hướng dẫn, đặc biệt là ý thức trách nhiệm cao nên vẫn thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ, đúng hạn. Đây là điều rất đáng mừng trong thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV tại địa phương”.
Đến hết năm 2011, toàn tỉnh Hải Dương có gần 60 nghìn HSSV còn vay vốn NHCSXH với tổng dư nợ đạt hơn 868 tỷ đồng, tăng 34% so với cuối năm 2010. Hiện nay, nhiều trường hợp cho vay đã đến kỳ thu nợ, thu lãi nhưng nhìn chung công tác trả nợ, trả lãi và gốc của các gia đình đều rất tốt, một phần do đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, một phần các hộ gia đình vay vốn đều ý thức được trách nhiệm với vốn vay ưu đãi nên tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình hiện rất thấp.
Một mùa Xuân nữa lại về, hy vọng với nguồn vốn vay từ chương trình ưu đãi đối với HSSV, mỗi gia đình sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Hà Vy
Các tin tức khác