Dân trả nợ khá sòng phẳng
Đăng ngày: 23/11/12Đánh giá về 5 năm thực hiện tín dụng HSSV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Hữu Báu - Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình khẳng định: "Đến thời điểm này, người dân khá sòng phẳng trong trả nợ vốn vay".
Ông Báu cho biết, năm 2012 tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 1.600 tỷ đồng, trong đó: dư nợ Chương trình tín dụng HSSV chiếm gần 50%.
Phóng viên: Thưa ông, năm nay vốn bố trí cho Chương trình tín dụng HSSV có khó khăn về nguồn không?
Trả lời: Nguồn vốn năm nay về kịp thời, đáp ứng nhu cầu của HSSV đủ điều kiện vay. Thời điểm này một số năm trước, chúng tôi phải khất HSSV và phụ huynh. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của NHCSXH Việt Nam đối với HSSV nghèo.
Phóng viên: Tiến độ thu hồi nợ đến hạn của Chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn hiện nay ra sao, thưa ông?
Trả lời: Dư nợ Chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn tỉnh đến hết năm ước đạt trên 793,2 tỷ đồng, với hơn 47.200 HSSV được hưởng thụ. Doanh số thu nợ đến hạn trong 5 năm qua đạt 93 tỷ đồng. Riêng 10 tháng năm 2012, doanh số cho vay Chương trình tín dụng HSSV đạt 75,77 tỷ đồng, trong đó: doanh số thu nợ 50,996 tỷ đồng. Nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm 0,23%, thấp hơn mức 0,75% tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, nợ đến hạn Chương trình HSSV được các hộ trả khá sòng phẳng.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm ngay nên khó khăn trong việc trả nợ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
"Tôi tin tưởng ở hộ nghèo, hộ chính sách và tin tưởng vào kết quả của Chương trình tín dụng HSSV...", ông Lê Hữu Báu. |
Trả lời: Quan điểm đầu tư của Chương trình tín dụng HSSV là Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chứ không phải hỗ trợ tất cả các chi phí của HSSV. Song, Nhà nước không để HSSV vì khó khăn về tài chính mà phải bỏ học; không phải trông chờ khi HSSV ra trường, có việc làm mới trả nợ. Nhiều hộ đã chủ động chuẩn bị nguồn để trả nợ khi đến hạn, hộ có điều kiện thì trả trước hạn... Tất nhiên, càng về sau, số lượng HSSV thuộc diện được vay tăng thêm, thời gian học dài hơn, quy mô vốn của chương trình lớn hơn thì việc thu hồi vốn đến hạn cũng sẽ có những khó khăn; những gia đình nào thực sự khó khăn cần phải được xem xét...
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thu hồi nợ đến hạn?
Trả lời: Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó có Chương trình tín dụng HSSV, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc giải ngân, thu nợ, thu lãi được thực hiện tại Điểm giao dịch cấp xã tạo thuận lợi nhất cho người dân. Qua đó, tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, sự phối hợp của các tổ chức hội, đoàn thể tham gia uỷ thác, kịp thời xử lý các vướng mắc. Giải ngân vốn rồi, ngân hàng, các hội, đoàn thể tham gia uỷ thác phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu nợ, thu lãi...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!