Cứu BĐS: Nguồn tài chính khan hiếm chảy vào các nhóm lợi ích?
Đăng ngày: 22/3/13Phá băng BĐS có thể làm giảm nợ xấu, giảm hàng tồn kho và kích thích nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng. nhưng câu hỏi đặt ra là tiền dùng để cứu BĐS lấy từ nguồn nào?
Theo bản nhận xét của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện nay thực sự là một vấn đề lớn, do dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS như: vay kinh doanh BĐS, vay đầu tư sản xuất kinh doanh và thế chấp bằng BĐS… chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ.
Nợ xấu BĐS đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến 2 ngành xây dựng và vật liệu xây dựng với khoảng 3,8 triệu lao động.
Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, quy mô nợ xấu của lĩnh vực này là đáng kể. Nếu nhìn vào bảng cân đối tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang niêm yết với số liệu được cập nhật theo quý thì có thể thấy nhiều doanh nghiệp nợ chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng tài sản.
Trong bối cảnh thị trường BĐS được dự báo sẽ còn tiếp tục điều chỉnh từ trạng thái giá bong bóng để trở về mức cân bằng dài hạn, các giá trị tài sản (BĐS) sẽ phải co lại đáng kể, trong khi giá trị của các khoản nợ sẽ tiếp tục nở ra (do DN vẫn phải tiếp tục trả lãi đối với các khoản vay với mức lãi suất cao).
Sự kéo dài của tình trạng “nợ nở ra, tài sản co lại” sẽ làm không ít các DN bị cạn vốn và phá sản, ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của các ngân hàng có liên quan và qua đó đe dọa đến an toàn hệ thống ngân hàng. Chính vì thế cần có các giải pháp để nhanh chóng “hãm phanh” lại quá trình này – Bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu.
Nhưng cơ quan này cũng cảnh báo, rủi ro về nguồn tài chính vốn đang khan hiếm trong nền kinh tế có thể bị phân bổ lệch lạc, chảy vào lợi ích nhóm, các doanh nghiệp sân sau, thân quen.
Phá băng bất động sản có thể làm giảm nợ xấu, giảm hàng tồn kho và kích thích nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhưng câu hỏi đặt ra là tiền dùng để cứu BĐS lấy từ nguồn nào? Và như thế nào để kiểm soát dòng tiền không chảy vào nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau, thân quen? – Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt câu hỏi.
Việc trả lời được các câu hỏi này một các công khai sẽ làm cho người dân, nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách. Thực tế việc thực hiện hâm nóng hay phá băng BĐS đòi hỏi phải có sự minh bạch trong việc rót tiền cứu trợ vào các doanh nghiệp.
Khánh Linh
Theo TTVN
Từ Khóa: PT, Thị Trường, BĐS, Khoản Vay, Cơ Quan, Quốc Hội, Tài Chính,