“Con đường phẳng” ở vùng cao
Đăng ngày: 29/2/12Ví von là vậy, nhưng trên những “con đường phẳng” được tạo ra từ vốn chính sách ở vùng cao Bắc Kạn thấm giọt mồ hôi của những người nghèo nỗ lực vươn lên của cán bộ tín dụng và của cả những cấp, ngành tâm huyết vì sự nghiệp xoá nghèo nơi đây.
Tự tin xây cuộc sống
Có thể nói, nhà sàn của anh Lục Văn Thăng và chị Hoàng Thị Lân ở thôn Nà Mị, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn không có đường lên, chỉ có vài bậc đất nhão nhoét vì trời mưa được đục vào triền đồi. Nhưng, trên ngôi nhà sàn vững chãi, vợ chồng chị Lân vui mừng kể lại chặng đường thoát nghèo của mình. Ngày anh chị ra ở riêng, một mét đất dựng lều không có. Hai vợ chồng phải đi trồng khoai ở sườn núi bên kia, tích lũy đồng một, đồng hai, Từ 2.000m2 khai hoang trồng khoai, với một chút ruộng, anh chị chăm chỉ trồng trọt, nuôi lợn gà. Năm 2005, tích cóp được chút ít anh chị vay thêm mua gỗ dựng căn nhà sàn này.
Năm 2008, anh chị được vay 30 triệu đồng từ Chương trình Hộ nghèo, mua được 3 con trâu, sinh sôi nảy nở, giờ trong chuồng vẫn còn 5 con. Nhà còn chuồng lợn, anh chị định sau khi bán lợn phần dành tiền mua giống, phần bán trả tiền vay ngân hàng. “Nhờ có vốn NHCSXH, gia đình có đòn bẩy làm kinh tế. Bây giờ vững hơn rồi, trả tiền để nhà khác còn được vay. Sau này có kế hoạch khác lại xin vay khoản khác vậy” - anh chị khoe.
Vì thế, chị Lài Thị Miên - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Nà Mị cho rằng, nhà sàn của anh Thăng, chị Lân chưa có đường lên, nhưng con đường phát triển kinh tế đã tạo cho hộ gia đình anh chị lối đi bền vững, sẽ thoát nghèo trong tương lai không xa.
Đối với người phụ nữ các dân tộc vùng cao Bắc Kạn, có hướng đi cho kinh tế gia đình là một cứu cánh cho họ nơi địa phương còn nhiều khó khăn. Từ sự lam làm, cùng với động viên và hỗ trợ kỹ thuật của các cấp hội, nhiều hội viên vay vốn đã sử dụng vốn phát triển kinh tế có hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Điển hình như gia đình chị Chu Thị Xuyến thôn Đồng Chót, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn có 20 con bò và thực hiện mô hình 30 triệu đồng/ha (thuốc lá, lúa lai). Chị Hoàng Thị Đạo, chị Hoàng Thị Tuyết thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông với mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Chị Địch Thị Niệm xã Vi Hương, huyện Bạch Thông kinh doanh hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống cho thu nhập 70 triệu đồng/năm. Mô hình vay vốn chăn nuôi bò sinh sản ở các xã Nghiên Loan, Bộc Bố, Nhạn Môn, Cổ Linh (huyện Pác Nặm) với 28 chị tham gia, bước đầu cho thu nhập từ 25 - 45 triệu đồng/năm...
Những cánh tay nối dài
Tính đến hết năm 2011, tổng dư nợ các tổ chức nhận ủy thác ở Bắc Kạn là hơn 1.094 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,89% tổng dư nợ. Số Tổ TK&VV còn dư nợ là 1.616 tổ, số hộ còn dư nợ là 46.677 hộ. 1608/1.616 Tổ TK&VV có số dư tiền gửi tiết kiệm, đạt tỷ lệ 99,50% tổng số tổ. Số tiền huy động được là hơn 10,6 tỷ đồng, đạt 86,06% kế hoạch, số dư bình quân là 260,78 nghìn đồng/hộ, bổ sung vào nguồn vốn cho vay các chương trình 3,65 tỷ đồng.
Năm 2012 này, các tổ chức nhận ủy thác tín dụng chính sách đặt mục tiêu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao, đưa tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 0,2%, tỷ lệ thu lãi đạt 98%, không còn Tổ TK&VV hoạt động yếu, không có nợ xâm tiêu. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những nội dung được chú trọng là nâng cao năng lực quản lý nguồn vốn uỷ thác, trách nhiệm của cán bộ tổ chức hội của Ban Quản lý Tổ TK&VV, đồng thời tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện 06 công đoạn ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của Ban Quản lý Tổ TK&VV và việc sử dụng vốn vay của hộ vay.