Chuyện ghi bên dòng Kinh Thầy
Đăng ngày: 7/2/12Từ đống vốn tín dụng chính sách chương trình GQVL, hàng trăm lao động ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) đã có việc làm, có thu nhập ổn định, ly nông mà không phải ly hương...
Lò vôi "công ăn việc làm"
Khi chúng tôi đến doanh nghiệp của anh Bàn Văn Sơn, 49 tuổi, ở xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, hàng chục công nhân đang chăm chỉ làm việc xung quanh lò vôi dựng bên dòng sông Kinh Thầy. Anh Sơn sở hữu Cty TNHH Sơn Thái, thành lập năm 2005, chuyên cải tạo san lấp mặt bằng, cho thuê mặt bằng, sản xuất vôi. Anh kể, việc làm không hết, chỉ không có nhiều vốn để có thể đầu tư máy móc, nhân công làm được nhiều việc hơn thôi.
Rồi anh Sơn kể chuyện từ những ngày Công ty của anh chỉ là cơ sở SXKD cá thể. Khi đó, chỉ có khoảng trên 10 người làm cùng anh. Rồi cả quá trình mở rộng cơ sở, nâng cấp lên thành Công ty. "Quyết tâm rất cao, công việc ở địa phương và đầu ra sản phẩm thì có sẵn, chỉ kẹt mỗi ít vốn" - anh nói.
Gây dựng dần, vay mượn dần, Công ty Sơn Thái của anh bắt đầu có danh, có tiếng ở địa phương. Tháng 10/2009, để mở rộng sản xuất, anh vay NHCSXH 400 triệu đồng từ Chương trình GQVL. "Giờ, lúc cao điểm tôi có tới 160 - 180 lao động, chủ yếu là người địa phương. Vôi thành phầm chủ yếu đóng công-ten-nơ bán cho chủ hàng ở Hải Phòng để xuất khẩu sang Đài Loan".
Hiện, Công ty Sơn Thái có 3 lò vôi, xuất khẩu 10 nghìn tấn vôi mỗi năm. Lao động của anh thu nhập tới 130 nghìn đồng mỗi ngày. Nhìn cả trăm công nhân người đập đá, người sàng lọc kéo tời... nhộn nhịp bên lò vôi, anh Nguyễn Tiến Mạnh - Phó giám đốc NHCSXH huyện Kinh Môn - đi cùng chúng tôi chia sẻ: "Vốn chính sách đã tạo cho hàng trăm gia đình có nguồn thu nhập. Là người đưa đồng vốn chính sách vào cuộc sống, tạo việc làm cho hàng trăm người, chúng tôi thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa".
Hàng trăm lao động có việc làm ổn định
Năm 2011, NHCSXH huyện Kinh Môn đã cho 53 dự án vay Chương trình GQVL, với tổng số tiền hơn 1,960 tỷ đồng, trong đó: cho cơ sở SXKD vay 7 dự án với số tiền là 1.050 tỷ đồng, cho vay 46 hộ gia đình số tiền 910 triệu đồng. Các dự án đó tạo việc làm ổn định cho 140 lao động, trong đó thu hút 80 lao động mới. Dư nợ chương trình này đến nay là hơn 6 tỷ đồng.
"Chương trình cho vay GQVL đã góp phần tạo việc làm ổn định, thu hút thêm lao động mới, đảm bảo mức thu nhập cho người lao động bình quân trên mức lương tối thiểu, góp phần ổn định lao động trong xã hội", ông Nguyễn Duy Thanh - Giám đốc NHCSXH huyện Kinh Môn cho hay.
Chia tay chúng tôi bên bờ khu "liên hiệp thủy sản" trong trang trại nhà anh Nguyễn Văn Quyết ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh - người đã vay vốn Chương trình GQVL để góp phần gây dựng cơ ngơi nuôi ba ba, cá rô hàng chục ngàn mét vuông, anh Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ, do điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, nếu như mức cho vay GQVL được nâng thêm lên, chắc chắn sẽ có nhiều người có việc làm, và nhiều gia đình có thu nhập ổn định hơn, để người nông dân quê anh có thể thoát nghèo bằng ly nông mà không phải ly hương.
Thảo Anh