Chuyển động mới ở một huyện nghèo
Đăng ngày: 11/11/12Mấy năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước, trong đó có tín dụng chính sách. Vĩnh Thạnh - một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Bình Định nằm trong chương trình 30a của Chính phủ, nơi giáp với cao nguyên An Khê, Đăk Pơ (Gia Lai) đang có bước chuyển mình về kinh tế - xã hội; nhiều hộ nghèo và đồng bào DTTS từng bước ổn định, nâng cao cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Chúng tôi đến Vĩnh Thạnh vào đúng thời điểm thu hoạch bắp, mía vụ hè thu. Nhận thấy không khí lao động khẩn trương trên khắp ruộng nương, buôn làng vùng miền núi xa xôi này, vừa xếp từng bó mía lên xe ô tô của nhà máy đường Tây Sơn, chị Đinh Thị Ngần, người Ba Nar ở làng Ha Rơm, xã Vĩnh Hảo vừa vui vẻ kể chuyện: Gia đình chị có 7 nhân khẩu, trước đây 4 năm còn là hộ nghèo. Nhưng từ khi được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, kể cả tiền hỗ trợ của Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững của Chính phủ, chị đã đầu tư nuôi bò sinh sản, thâm canh mía đồi. Cùng với đó, gia đình chị còn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên đã chủ động về thời vụ, giống cây trồng, vật tư phân bón... vì thế đồi mía liên tiếp đạt năng suất cao, cây cao, độ đường nhiều, bán được giá, đời sống khấm khá, gia đình hết cảnh nghèo khó đeo bám.
Bên căn nhà mới xây từ sự hỗ trợ của Nhà nước, NHCSXH và cộng đồng, ông Lê Trọng Cân ở thôn Định Tâm, xã Vĩnh Lợi đang xắp xếp lao động, dụng cụ sản xuất cho bà con xóm giềng đến lao động “đổi công, hợp tác” thu hoạch rộ 3 ha bắp lai trồng trên đồi.
Rót nước mời khách, ông Cân xởi lởi trò chuyện: "Bắp lai vụ hè thu tốt lắm, năng suất đạt cao vì được đầu tư vốn ưu đãi, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc kịp thời. Dự kiến nhà tôi thu khoảng 30 tấn bắp lai, chắc chắn lãi được ngót vài chục triệu đồng rồi, sau khi đã trừ các khoản chi phí".
Có mặt tại nhà ông Cân từ sáng sớm hôm đó, Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Lợi, Mai Thành Nam cho chúng tôi biết: "Hội ND xã đã làm nhiệm vụ uỷ thác vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách suốt 9 năm qua với dư nợ 6,8 tỷ đồng thông qua 8 Tổ TK&VV. Hầu hết các hộ dân sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, thực hiện nộp lãi, trả nợ đầy đủ khi đến kỳ hạn; cá biệt có 2 hộ người dân tộc gặp rủi ro trong chăn nuôi bò, nên chúng tôi đã vận động bà con trả lãi giúp và đề xuất với ngân hàng gia hạn nợ".
Theo ông Nam, lo cho nông dân nghèo vay vốn, sử dụng vốn sản xuất, nhất là đầu tư thâm canh cây trồng, chăn nuôi là trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể của địa phương. Bởi vậy, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH duy trì thực hiện dân chủ, công khai trong công tác tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng; đồng thời, phát huy kết quả trong sản xuất.
NHCSXH đã không ngừng đổi mới cơ chế nghiệp vụ cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào DTTS ở huyện nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể làm tốt việc lồng ghép chương trình sử dụng vốn chính sách với thâm canh đồng ruộng, chuyển đổi sản xuất, phát triển chăn nuôi mở mang ngành nghề ở nông thôn, thực sự làm điểm tựa vững chắc cho những kế hoạch phát triển SXKD, hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính lao động, đất đai của quê hương mình.
Nguyễn Thị Má