Chuyện có thật của gia đình người K’Ho
Đăng ngày: 8/2/12Thoạt nghe cứ ngỡ chuyện lạ nhưng lại có thật, thật đến 100% về gia đình chị Nai Lim, dân tộc K’Ho, từng thuộc diện hộ nghèo ở thôn La Boong, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) nhờ được vay vốn ưu đãi đã chăm lo cho cả 4 người con học hành “đến nơi đến chốn” trên xứ sở hoa anh đào và ở tận TP. Hồ Chí Minh.
Chuyện kể rằng: Vào một chiều hè của 5 năm về trước, chị Nai Lim cùng chồng là anh Ia Kâu vừa tất tả đi làm ngoài nương rẫy về nhà thì nhận liền một lúc 2 tờ giấy báo trúng tuyển khoa luật Đại học Tây Nguyên và Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Lâm Đồng cho 2 cô con gái dịu hiền là Nai Tiên, Nai Diễm. Kết quả trong học tập, thi cử của con cái đã mang đến cho anh chị niềm vui mừng khôn tả, song xen vào đó là sự lo lắng, cũng không ít. Không lo sao được, bởi hồi ấy, hoàn cảnh gia đình quá khốn khó. Vốn liếng đã thiếu, trâu cày không có, một nhà mà những 7 miệng ăn, chỉ trông chờ vào sức lao động cần mẫn của vợ chồng chị cùng mấy sào đất trồng rau xanh. Vậy làm sao đây, biết lấy đâu ra tiền để lo cho con nộp học phí, thuê nhà trọ… mấy năm liền học hành lên cao giữa chốn thị thành.
Nhưng sự đời thường khi cái khó lại ló cái khôn. Đối với gia đình chị Nai Lim giữa lúc lo lắng, tưởng chừng bế tắc về chuyện tiền nong cho con cái ăn học thì còn xuất hiện cả vận may nữa. Mà may mắn thật. Đúng vào thời điểm đó, thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với HSSV do NHCSXH triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo ASXH.
Vậy là ngay trong bước đi đầu tiên đến giảng đường đại học, hai người con của chị Nai Lim trên vùng miền núi dân tộc xa tít tắp trên cao nguyên đã yên tâm rèn luyện, học tập, thực hiện ước mơ của tuổi trẻ vì được sự trợ lực rất kịp thời, hiệu quả của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng. Tính đến nay gia đình chị Nai Lim đã vay vốn tín dụng ưu đãi cho 4 người con học đại học, cao đẳng trong 4 năm liên tiếp, năm sau cao hơn năm trước, từ năm khởi đầu 2007 có 12 triệu đồng đến năm 2011 là 64,5 triệu đồng (xin nói thêm: Theo gương của hai chị gái, các em Nai Chi, Ia Câu đã thi đậu trường Đại học Bách khoa và Ngoại ngữ ở TP. Hồ Chí Minh với số điểm khá cao, nay đang là sinh viên giỏi của trường, đồng thời được vay vốn NHCSXH phục vụ học tập từ học kỳ đầu đến nay).
Từ trong sâu thẳm lòng người dân K’Ho, chị Nai Lim xúc động nói với chúng tôi về thăm huyện Đơn Dương nhân dịp năm mới 2012: “Với gia đình tôi, với bà con DTTS xa xôi vùng Tây Nguyên này, đồng vốn của Chính phủ, của NHCSXH không những làm điểm tựa cho làng xóm, nhân dân thoát nghèo, ổn định đời sống mà còn thực sự làm bà đỡ về tài chính cho con em người dân tộc được học hành tử tế, phấn đấu đi trên con đường tươi sáng của đất nước. Hiện tại, 2 trong 4 người con của gia đình tôi đã tốt nghiệp ra trường có công việc ổn định và đã cùng bố mẹ thực hiện ngay kế hoạch trả nợ vốn vay chính sách được 15 triệu đồng rồi cùng với việc nộp lãi đúng kỳ hạn, gia đình tôi phấn đấu hoàn trả nợ gốc sớm, trước mắt cứ tháng 1 lần, trả ngân hàng 6 triệu đồng, trích từ số tiền thu nhập sản xuất nông nghiệp, bởi vì người dân tộc nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều khoản vay để phát triển sản xuất cũng như việc đầu tư học hành cho con em nên càng quyết tâm làm ăn tốt để thoát nghèo, làm giàu, tích lũy trả nợ ngân hàng sòng phẳng và nhanh chóng”.
Gia đình chị Nai Lim người dân tộc K’Ho xứng đáng là tấm gương sáng của việc vay vốn, sử dụng vốn NHCSXH trên cao nguyên Lâm Đồng.
Bài và ảnh Thanh An